Trang chủ Kinh doanhBất động sản Tạo đột phá cho khu công nghệ cao

Tạo đột phá cho khu công nghệ cao

bởi Linh

Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) là một trong 3 mô hình khu công nghệ cao đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng ký quyết định thành lập. Đây là dự án trọng điểm của TP HCM, được đầu tư 100% từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương.

Năm 2022, SHTP tròn 20 năm hoạt động và đang được thành phố định hướng trở thành một trong 3 trụ cột của đô thị sáng tạo phía Đông (gồm Khu Công nghệ cao, Trung tâm Tài chính Thủ Thiêm và ĐHQG).

Mô hình thành công

SHTP được thành lập với sứ mạng xây dựng nền móng công nghiệp công nghệ cao cho TP HCM và cả nước, tầm nhìn trở thành tiểu khu đô thị khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ nền tảng kinh tế, công nghệ và tri thức của thành phố cũng như khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tới nay, SHTP đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn 12 tỉ USD, trong đó có 10 tỉ USD của nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp (DN) không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn liên tục tăng vốn, đầu tư mở rộng sản xuất, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu của TP HCM.

Nêu tổng giá trị sản xuất công nghệ cao của SHTP đến hết năm 2021 ước đạt hơn 120.000 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN Khu Công nghiệp TP HCM, đánh giá SHTP là mô hình thành công của thành phố. Trong đó, chỉ với 85 DN đang hoạt động nhưng trình độ công nghệ đều ở mức cao, quy mô sản xuất và giá trị sản phẩm xuất khẩu lớn và tăng nhanh qua từng năm…

SHTP thu hút được các tập đoàn sản xuất hàng đầu thế giới như Intel (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc), TTI (Đức), NTT (Nhật)… và các DN công nghệ hàng đầu Việt Nam như FPT. Như thế, SHTP đã đi đúng xu hướng thời đại là trở thành một khu công nghệ 4.0.

Tổng giám đốc một DN trong SHTP nhìn nhận ưu thế lớn nhất của khu là tập trung các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và là trung tâm thu hút lao động công nghệ cao. Ngoài ra, sức hút của khu này còn đến từ những chính sách ưu đãi thuế lớn cho nhà đầu tư cùng giá nhân công rẻ hơn nhiều nước.

Bị cạnh tranh mạnh mẽ

Tuy vậy, vị tổng giám đốc nói trên cũng cho rằng những lợi thế về thuế, giá nhân công… tại SHTP sẽ dần mất đi và TP HCM cần sớm đánh giá, điều chỉnh để thu hút đầu tư hiệu quả hơn trong thời gian tới. “Việc tổ chức quản lý tại đây vẫn còn một số tồn tại, gây khó khăn cho DN. Ví dụ, ban quản lý vẫn áp dụng thu phí bằng USD hay chưa thật sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong một số trường hợp” – vị tổng giám đốc nói thêm.

Ông Võ Sỹ Nhân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ascendas Saigon Bund, cho rằng TP HCM vẫn là nơi được cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Dù vậy, đã có những yếu tố khiến thành phố mất đi tính cạnh tranh, ví dụ: kết nối hạ tầng chưa như mong đợi; tốc độ đè nén đô thị cao làm giảm hấp dẫn về môi trường làm việc, vui chơi, giải trí…

“Quỹ đất ngày càng hạn hẹp thì việc lựa chọn ngành nghề để thu hút đầu tư là cần thiết. TP HCM cần chọn thu hút vốn từ những lĩnh vực công nghệ, dịch vụ, ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ tài chính…” – ông Nhân góp ý.

Sau dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… có kế hoạch dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam và tìm thuê diện tích lớn nhưng TP HCM, đặc biệt là SHTP, không còn quỹ đất thương phẩm để tiếp nhận nhu cầu đầu tư. Cùng với quỹ đất hạn hẹp, một số vấn đề khác như thủ tục nhiêu khê, bất cập, trong đó có thủ tục hành chính, đang là những “điểm trừ” của SHTP và cần được quan tâm tháo gỡ.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP, cạnh tranh ở thời điểm hiện tại dựa trên năng suất lao động. DN sẽ đến nơi vào có năng suất lao động cao nhất thay vì chỉ chọn nơi có ưu đãi về thuế, đất đai. Do đó, ban quản lý sẽ kiến nghị và tham mưu thành phố nói không với những dự án đầu tư không có lợi cho xây dựng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong dài hạn.

“TP HCM và bản thân SHTP cần định vị lại theo hướng chỉ thu hút những dự án khai thác được lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ tốt. Chúng tôi cũng sẽ có chiến lược hỗ trợ DN trong nước phát triển” – ông Nguyễn Anh Thi nói.

Tạo đột phá cho khu công nghệ cao - Ảnh 1.

Khu Công nghệ cao TP HCM đóng vai trò là hạt nhân phát triển khoa học – công nghệ của đô thị sáng tạo. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cần cơ chế riêng?

Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh bị cạnh tranh mạnh mẽ từ những mô hình khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất mới trên cả nước với những lợi thế, ưu đãi hấp dẫn không kém, SHTP cần đổi mới, đột phá để tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư chất lượng ở lĩnh vực có thế mạnh. Các ý kiến cũng đặt vấn đề SHTP có cần một cơ chế riêng để đột phá?

Về đề xuất trên, ông Nguyễn Anh Thi cho rằng cơ chế riêng đặc thù cho SHTP là rất khó bởi bối cảnh hiện nay cần đặt khu công nghệ cao này trong mối liên kết với TP Thủ Đức và các quận, huyện.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào SHTP vừa qua, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh đây là thời điểm cần nhìn lại và đánh giá những điểm được, chưa được để xây dựng định hướng trong thời gian tới cho khu này. Theo đó, nâng tầm nhìn để SHTP trở thành một trong 5 trụ cột của TP Thủ Đức, gắn với sự phát triển của kinh tế TP HCM và cả nước.

Lãnh đạo TP HCM cũng lưu ý nền tảng phát triển trong 20 năm qua là rất quan trọng để làm cơ sở định hướng phát triển trong thời gian tới với khung pháp lý và điều kiện cụ thể. “20 năm qua, rất nhiều nhà đầu tư đã thành công theo đúng định hướng công nghệ cao, đóng góp vào phát triển của kinh tế đất nước và vẫn còn dư địa để tiếp tục cải thiện, tái cơ cấu nhằm khai thác tối đa tài nguyên của khu, tạo tác động lan tỏa tới kinh tế TP HCM và cả nước. 20 năm qua, đã có những nền tảng và 20 năm tới cần có những bước đi khác, có định hướng cụ thể để phát triển mạnh mẽ hơn” – Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Để tạo đột phá, những nội dung mà SHTP cần đánh giá, nhìn nhận lại gồm: những khoản đầu tư vào đây đã là công nghệ cao, đã phát huy hết tài nguyên, cần tái cơ cấu những khoản đầu tư hiện tại ra sao để gia tăng giá trị, cần tập trung vào những phân khúc nào tiếp theo, khung pháp lý ra sao…?

Nhiều thành tựu nổi bật

Bà Lê Thị Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý SHTP, thông tin khu đã bước đầu hình thành các DN công nghệ cao như Nanogen, USM Healthcare, BSB… Rộng hơn, đã hình thành các hệ sinh thái ngành mạnh trong các lĩnh vực điện tử – công nghệ, công nghệ sinh học – dược phẩm, cơ khí chính xác và tự động hóa, công nghệ vật liệu mới. Bên cạnh đó, chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các DN trong SHTP cũng không ngừng được nâng cao, đạt 117 triệu USD vào năm 2021; năng suất lao động ước bằng 16,6 lần cả nước.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm