Đây là vụ phóng ICBM đầu tiên được Bình Nhưỡng thực hiện kể từ năm 2017 và dữ liệu cho thấy tên lửa bay cao, xa hơn so với mọi vụ phóng thử trước đó. Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh tiến hành vụ phóng ICBM mới nhất do “căng thẳng quân sự leo thang mỗi ngày quanh bán đảo Triều Tiên”, cũng như để chuẩn bị cho “cuộc đối đầu trường kỳ không thể tránh khỏi với Mỹ”.
Giới phân tích đánh giá việc Triều Tiên quay lại thử nghiệm những vũ khí có khả năng tấn công Mỹ, như ICBM, là một thử thách mới đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, nhất là khi ông chủ Nhà Trắng đang tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến xung đột Nga – Ukraine. Trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không tìm được nói chung về những gì xảy ra ở Ukraine, không dễ để các cường quốc đồng lòng phản ứng vụ thử ICBM mới nhất của Triều Tiên.
Ảnh chụp vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thế hệ mới được Triều Tiên công bố hôm 24-3 Ảnh: KCNA
Ông Daniel Russel, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, thậm chí nhấn mạnh không hề tồn tại phương án tốt trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Riêng chuyên gia Sue Mi Terry của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể phải đối mặt những vấn đề phức tạp hơn xoay quanh chương trình vũ khí Triều Tiên bởi thế giới đang bị phân tâm nên sẽ khó có hành động nào từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hoặc sự giúp đỡ từ Nga, Trung Quốc.
Vụ phóng tên lửa nêu trên của Triều Tiên cũng làm gia tăng nỗi lo về một cuộc khủng hoảng mới trên bán đảo Triều Tiên, nhất là khi Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cam kết theo đuổi chiến lược quân sự cứng rắn hơn để đối phó Bình Nhưỡng ngay khi ông nhậm chức vào ngày 10-5 tới. Ông Yoon Suk-yeol hôm 25-3 viết trên mạng xã hội Facebook rằng Triều Tiên sẽ chẳng đạt được lợi ích gì từ hành động khiêu khích của mình.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)