Amasia, siêu lục địa với cái tên kết hợp giữa “America” (châu Mỹ) và “Asia” (châu Á) là hai châu lục lớn sẽ ôm trọn tất cả châu lục nhỏ vào lòng, sẽ ra đời chỉ trong 200-300 triệu năm nữa, một khoảng thời gian khổng lồ đối với loài người đoản mệnh nhưng chỉ là một quãng ngắn đối với tuổi đời Trái Đất.
Đó là kết quả đến từ nghiên cứu phối hợp giữa Đại học Curtin – Úc và Đại học Bắc Kinh – Trung Quốc, sử dụng mô phòng từ một siêu máy tính dựa trên các bằng chứng về hoạt động kiến tạo mảng của Trái Đất.
Quá trình hợp nhất 4 lục địa để trở thành siêu lục địa Amasia – Ảnh: ĐẠI HỌC CURTIN
Nhiều công trình trước đó đã cho thấy các lục địa của Trái Đất đã nhiều lần hợp lại thành siêu lục địa rồi lại tách ra như ngày nay. Quá trình này sẽ diễn ra khi một số mảng kiến tạo bị “hút chìm”, tức bị Trái Đất nuốt vào bên trong theo nghĩa đen, trong khi một số mảng lại được “nhả” ra ở phía khác của địa cầu.
Khi các mảng kiến tạo được sắp xếp lại, các lục địa và đại dương mà nó cõng bên trên cũng di chuyển theo.
Theo Sci-News, nhóm nghiên cứu đang thử tìm hiểu lần tái nhập tiếp theo của các lục địa sẽ diễn ra như thế nào và tại đâu.
Mô hình cho thấy do Trái Đất đã nguội hàng tỉ năm khiến độ dày và sức mạnh của các mảng kiến tạo đang “cõng” đại dương yếu dần theo thời gian. Do đó, thứ bị Trái Đất “nuốt” trong lần hút chìm tiếp theo không phải là các đại dương trẻ như Đại Tây Dương hay Ấn Độ Dương, mà là Thái Bình Dương già cỗi.
Thái Bình Dương – đại dương cổ xưa nhất của thế giới hiện đại – đã hình thành tận 700 triệu năm trước và từng là một siêu đại dương. Hiện nay nó đã thu lại ở mức hẹp nhất kể từ thời khủng long và chỉ trong 200-300 triệu năm nữa sẽ tiêu biến.
Đây cũng là điều tất yếu bởi theo mô hình mới, trong suốt 2 tỉ năm qua cứ 600 triệu năm là có một siêu lục địa được hình thành gọi là “chu kỳ siêu lục địa”.
Khủng long đã được sinh ra trên siêu lục địa Pangea (320-170 triệu năm trước) sau đó bị thế giới chia tách ra thành nhiều cụm khác nhau trên nhiều lục địa. 200 triệu năm sau, các loài tương lai sẽ có cuộc hội ngộ nhờ Amasia.
Châu Úc sẽ đóng vai trò như “nút nguồn” khởi động quá trình bằng cách va chạm với châu Á trước khi cả cụm Úc – Á – Phi nối vào châu Mỹ, vốn cũng bắt đầu dính vào châu Nam Cực. Sau đó châu Úc cũ tiếp tục trở thành “nút đóng” bẻ Nam Mỹ dính vào phần dưới của cụm Úc – Á – Phi – Nam Cực.
Kết quả cuối cùng, dự kiến sẽ thành hình trong 280 triệu năm tới – Ảnh: ĐẠI HỌC CURTIN
Theo giáo sư Zheng-Xiang Li từ Nhóm nghiên cứu động lực học Trái Đất – Trường Khoa học Trái Đất và hành tinh thuộc Đại học Curtin, việc tạo thành Amasia sẽ làm thay đổi đáng kể hệ sinh thái và môi trường Trái Đất.
Mực nước biển của siêu đại dương bao quanh Amasia dự kiến sẽ thấp hơn nhiều ngày nay và phần bên trong rộng lớn của siêu lục địa sẽ rất khô và nóng.
Nghiên cứu vừa được công bố trên National Science Review.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)