Mỗi lần gặp nhau, câu chuyện của những người phụ nữ ở lứa tuổi U60 bao giờ cũng có chung mô-típ: Ôn lại kỷ niệm của một thời đã xa. Tôi xúc động ngồi nghe bạn bè thời đại học sau 30 năm mới gặp lại nhưng vẫn dành cho mẹ tôi những lời đầy yêu thương, cảm phục.
Hết lòng yêu chồng, thương con
Mẹ tôi vốn là cô gái xinh xắn được sinh ra và lớn lên ở phố thị. Ngoài những buổi đi học, mẹ là chị cả của 5 người em nên sớm phải chia sẻ gánh nặng mưu sinh cùng gia đình. Những buổi sáng thức sớm nấu đồ ăn, rồi rửa hàng thau chén đầy cho tới khuya là công việc hằng ngày của mẹ. Cuộc sống vất vả sớm phải phụ ông bà ngoại nấu cơm tháng cho khách đã giúp mẹ có tài nấu nướng rất ngon.
Nhà văn Hoàng Văn Bổn (thứ tư từ phải qua) chụp hình cùng gia đình nhân lễ mừng thọ 70 tuổi của ông
Mẹ tôi như đóa hoa tự vươn lên trong bao khó nhọc và trở thành cô giáo tiểu học. Bao thế hệ học trò đã được mẹ dạy dỗ nên người. Thời thanh xuân của mẹ có bao người theo đuổi nhưng trái tim cô giáo trẻ lại rung động trước chàng trai bộ đội người miền Nam tập kết ra Bắc hơn cô tới 11 tuổi. Có lẽ tính chân thật và sự yêu thương đùm bọc mọi người của chàng trai phương Nam một mình trên đất Bắc đã chinh phục trái tim mẹ để họ nên vợ nên chồng. Và cuộc sống của người vợ trẻ lại phải đối đầu với bao khó khăn trong khói lửa của chiến tranh. Ba tôi là người lính, là nhà văn quân đội, phóng viên chiến trường nên quanh năm ba có mặt khắp các chiến trường phía Nam, phía Bắc rồi Campuchia. Một mình mẹ ở hậu phương vừa đi dạy vừa nuôi con, lo lắng ngóng trông tin tức của chồng nơi chiến trường ác liệt. Nghe tin chiến sự đang diễn ra nơi chồng đang làm phim chiến trường dưới bom đạn ở cầu Hàm Rồng, Hòn Mê, Bạch Long Vĩ, ở đường mòn Hồ Chí Minh… là ruột gan mẹ như thắt lại. Mẹ như nuốt tất cả nước mắt vào tim để trở thành chỗ dựa vững chắc cho 3 đứa con thơ dại. Ở nơi sơ tán, mẹ tôi vẫn tranh thủ trồng rau, nuôi gà để bữa ăn của các con đủ chất dinh dưỡng.
Trong tâm trí tôi còn in nỗi lo lắng khi Mỹ đưa máy bay B52 ra bắn phá miền Bắc. Lúc nghe tin chúng ném bom gần chỗ mẹ dạy, tôi đã khóc khi dẫn 2 em nhỏ ra ngoài đường ở nơi sơ tán chờ mẹ về. Nhìn từng dòng người hối hả đạp xe trong đêm tối, 3 chị em đứng khóc cho đến khi thấy hình dáng quen thuộc của mẹ trên chiếc xe đạp cà tàng. Mẹ tôi vội vàng quăng chiếc xe bên vệ đường, ôm chầm các con mà khóc khi thấy các con vẫn bình yên.
Những bài học làm người và sự cần kiệm
Vì là cô giáo nên trong cách dạy con của mẹ có phần khá nghiêm khắc. Mẹ dạy các con từ cách rửa mặt, đánh răng mỗi tối cho đến cách ăn nói, cách cầm đũa, chén sao cho lịch sự. Mẹ dạy chị em tôi phải yêu thương, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ cho đến cách ăn mặc phải gọn gàng, sạch đẹp dù là áo vá. Dù vất vả thế nào nhưng bao giờ mẹ cũng kiểm tra bài của 3 chị em tôi rất kỹ càng. Mẹ tôi từng nói: Không có kiến thức thì không thể thành công. Có lẽ nhờ tính nghiêm khắc của mẹ mà suốt những năm học phổ thông, tôi luôn là học sinh giỏi. Đến khi tôi có chồng con, ôm con trong những lúc con bệnh mà lòng thương mẹ vô ngần. Bên cạnh tôi còn có chồng phụ giúp, còn ngày xưa, chỉ mình mẹ gồng gánh tất cả.
Tác giả bài viết và mẹ
Tính chịu thương chịu khó, tiết kiệm của mẹ đã trở thành bài học quý giá theo suốt cuộc đời tôi. Thời chiến tranh gian khổ là thế nhưng mỗi khi ba tôi về phép là mẹ lại làm nhiều món ngon để bồi dưỡng cho 4 cha con. Một con gà mà mẹ chế biến thành nhiều món – lòng gà xào đậu que, cổ và cánh gà nấu canh chua, một phần gà ướp gia vị chiên rồi rưới nước xốt lên thơm phức. Ngày ấy, mấy chị em tôi đều mong ba về phép – không chỉ cho thỏa nỗi nhớ mà còn được ăn ngon.
Sau chiến tranh, gian khổ vơi đi nhưng khó khăn vẫn không ít. Mẹ vẫn đi dạy nhưng phải nuôi heo, nuôi gà vịt để tăng thêm thu nhập. Những chắt chiu dành dụm ấy đã giúp mẹ nuôi 3 chị em tôi ăn học thành tài và giúp đỡ thêm cho những người thân, họ hàng.
Sau này khi các con đã khôn lớn, kinh tế gia đình khá hơn nhưng mẹ tôi vẫn là người phụ nữ cần kiệm. Ngày sinh nhật mẹ, các con chiêu đãi ở nhà hàng cho mẹ đỡ vất vả nhưng khi nghe giá tiền, mẹ nhất định tổ chức ở nhà. Trong bữa tiệc, mẹ trở đầu đũa gắp thức ăn mời mọi người với nụ cười rạng ngời hạnh phúc, đặc biệt là khi mẹ chuẩn bị từng phần đồ ăn bưng tặng hàng xóm. Có lẽ vì thế mà nhà mẹ tôi không bao giờ vắng tiếng cười nói của mọi người. Khi mẹ bị bệnh không đi lại được, hàng xóm thay phiên nhau qua nhà giúp em tôi chăm sóc mẹ. Có người còn xoa bóp, gội đầu, tắm rửa cho mẹ như người thân trong gia đình.
Sống vì mọi người
Tôi thấu hiểu lời dạy bình dị của mẹ: “Của cho là của còn con ạ”. Mẹ có thể nhịn ăn, nhịn uống để nhường món ngon cho mọi người. Trong mùa dịch, mẹ tôi vẫn phân chia từng bó rau, con cá cho gia đình và san sẻ cho hàng xóm láng giềng. Mỗi khi em tôi có giấy đi siêu thị là mẹ lại điện thoại hỏi mấy nhà hàng xóm có hoàn cảnh khó khăn, xem họ có cần gì để mua tặng. Thấy mấy nhà hàng xóm có người mắc Covid-19, mẹ tôi lại nhường từ gói mì, cân gạo đem đến trước cửa nhà, bấm chuông rồi lặng lẽ ra về.
Tác giả bài viết và mẹ đứng dưới bảng ghi tên đường Hoàng Văn Bổn. (Ảnh tư liệu gia đình)
Khi dịch đã bớt căng thẳng, tôi tranh thủ về thăm mẹ sau mấy tháng chỉ thấy nhau qua điện thoại. Nhìn dáng mẹ đứng chờ mình ở ngoài cửa với mái tóc luôn chải gọn gàng, bước thấp bước cao – di chứng sau một lần bị té, tôi ôm lấy mẹ mà nước mắt ngập bờ mi. Bước vào nhà, tôi thấy mẹ đã chuẩn bị những món ăn mà tôi thích và chuẩn bị những món cho tôi đem về nhà. Bao giờ về với mẹ, tôi cũng cảm nhận tất cả sự ấm áp yêu thương mẹ dành cho con cháu. Mẹ vẫn tiết kiệm từng thau nước rửa rau để tưới cây, ăn sáng bằng mì tôm nhưng vẫn dành tiền lương hưu để khen thưởng cho các cháu, kể cả con cháu của bạn bè, hàng xóm.
Nhiều người nói tôi là bản sao của mẹ và tôi tự hào về điều đó. Tôi đã viết trong thiệp mừng nhân Ngày của Mẹ: “Cảm ơn mẹ đã sinh ra con trong bao khó nhọc và nuôi dưỡng con khôn lớn. Cảm ơn mẹ suốt đời đã yêu thương và lo lắng cho chúng con. Cảm ơn vì mẹ đã là mẹ của chúng con và con được là con của ba mẹ”. Ai cũng có những thần tượng cho riêng mình, còn với tôi, mẹ chính là người thầy vĩ đại nhất để tôi thấu hiểu rằng:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”.
(Chế Lan Viên)
Ba tôi là nhà văn quân đội Hoàng Văn Bổn, được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật cùng nhiều giải thưởng văn học khác; nhận nhiều huân chương, huy chương và được đặt tên đường tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Mẹ tôi tên là Mai Quỳnh Chi, sinh năm 1941, lớn lên đi học sư phạm và dạy học ở thị xã Hải Dương. Mẹ theo chồng và các con về Đồng Nai dạy tiểu học từ năm 1980. Hiện nay, mẹ nghỉ hưu và sống với con cháu ở đường Lương Văn Nho, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai…
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)