“Hungary gần như là chính phủ duy nhất trên toàn châu Âu không nhắc về các lệnh trừng phạt và chiến sự. Chúng tôi chỉ nói về mong muốn hòa bình và đầu tư cho hòa bình” – Thủ tướng Orban hôm 10-6 trả lời phỏng vấn đài phát thanh Kossuth khi được hỏi về cuộc xung đột Nga – Ukraine.
“Chiến tranh không mang lại lợi ích cho bất cứ ai, bất cứ nhà nước nào” – ông Orban nhấn mạnh và nói thêm rằng cảm thấy ngạc nhiên vì nghe thấy quá ít “tiếng nói hòa bình” trong khối.
Tuyên bố của Thủ tướng Hungary được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang áp các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm vào Nga do liên quan chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine hôm 24-2. Kể từ đó đến nay, Mỹ và đồng minh phương Tây đã tung loạt đòn trừng phạt kinh tế nhắm vào Moscow.
Mới nhất, EU đã đồng thuận với gói trừng phạt thứ 6 áp lên Nga hồi cuối tháng trước, trong đó có lệnh cấm dầu Nga. EU tuyên bố dừng nhập ngay lập tức 75% dầu Nga và hướng tới mục tiêu 90% vào cuối năm 2022.
Các lệnh trừng phạt sâu rộng này khiến giá năng lượng và lương thực trên toàn châu Âu tăng vọt. Tuy nhiên, Hungary và một số nước đã được miễn trừ vì sự phụ thuộc quá lớn vào năng lượng Nga – theo đài RT.
“Nếu họ ban hành lệnh cấm vận khí đốt, họ sẽ hủy hoại toàn bộ nền kinh tế châu Âu” – ông Orban cảnh báo.
Hungary được cho là quốc gia có mối quan hệ gần gũi nhất với Nga trong số các quốc gia thành viên EU. Họ có lập trường cân bằng hơn về hoạt động quân sự của Nga.
Trong khi lên án việc sử dụng vũ lực và cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine, song Budapest đã từ chối gửi vũ khí đồng thời liên tục chỉ trích các kế hoạch cấm vận năng lượng Nga.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Reuters
Tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhắc lại mục tiêu lâu dài của EU là “thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch Nga, gồm khí đốt, dầu mỏ và than đá”. EU đầu tháng 4 thông báo dự định dừng nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2027.
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Ý và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.
Trước lệnh trừng phạt của châu Âu, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo lệnh cấm dầu Nga có thể gây mất ổn định thị trường năng lượng toàn cầu và là hành động ” tự hủy ” của EU.
Mỹ đề xuất ‘liên minh’ mới chống Nga
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng các quốc gia mua dầu từ Moscow nên thành lập một “liên minh” nhằm “khoá chặt” dầu Nga.
Phát biểu được bà Janet Yellen đưa ra tại Diễn đàn Chính sách DealBook DC của New York Times hôm 9-6. Mục đích của “liên minh” này nhằm ngăn chặn giá lạm phát đang tăng phi mã. – theo đài RT của Nga.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)