Ngày 16-11, ông Trần Xuân Phước – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng Đắk Lắk – cho biết sau khi UBND tỉnh phê duyệt khoản viện trợ thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng và Tổ chức Động vật châu Á xây dựng kế hoạch thực hiện.
Hết oằn mình cõng khách
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện trên địa bàn. Thời gian thực hiện dự án là từ tháng 11-2022 đến tháng 12-2026.
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt khoản viện trợ hỗ trợ của Tổ chức Động vật châu Á với tổng giá trị hơn 55,4 tỉ đồng, tương đương 2,43 triệu USD. Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại là 50,888 tỉ đồng; vốn đối ứng từ ngân sách sự nghiệp bố trí cho Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng Đắk Lắk hằng năm là 4,564 tỉ đồng.
UBND tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi. Bên cạnh đó, nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà và duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn Đắk Lắk.
Voi Đắk Lắk sẽ hết oằn mình cõng khách du lịch
Cụ thể, đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ. Chủ, nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi. Các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình thân thiện với voi. Hợp tác xã du lịch được thành lập nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi ở huyện Lắk. Tổ chức hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn voi…
UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tiếp nhận, thành lập ban quản lý dự án để quản lý và tổ chức các hoạt động của khoản viện trợ nêu trên.
Ngày càng sung mãn
Ông Y Vinh Êung – ngụ tại thị trấn Liêng Sơn, huyện Lắk; người đã bỏ nhiều công sức kết nối những cơ quan chức năng và hỗ trợ các chủ voi khác ở địa phương – tán thành chủ trương chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn về khoản hỗ trợ liệu có tương xứng?
Theo ông Y Vinh Êung, thời gian gần đây, ông cũng như các chủ voi ở huyện Lắk đã nhận thức và thống nhất với nhau về việc hạn chế bắt voi cõng khách du lịch nhằm bảo đảm sức khỏe cho chúng. Trước đây, voi phải đi đoạn đường dài cho một chuyến thì nay chỉ di chuyển trong vòng 12-13 phút. Thay vào đó, du khách được dành thời gian nhiều hơn để chụp hình và cho voi ăn.
Ông Y Vinh Êung cho biết sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, lượng du khách có nhu cầu cưỡi voi ngày càng đông, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nuôi. Trung bình mỗi con voi chỉ cần phục vụ 4 chuyến thì trừ các chi phí, chủ nuôi cũng thu được 1 triệu đồng/ngày. “Gia đình tôi nuôi 2 con voi trong tổng số 14 con ở huyện Lắk. Sức khỏe của chúng được cải thiện nhiều. Con voi của gia đình tôi đang động dục” – nài voi có kinh nghiệm này khoe.
Ông Phạm Tuấn Linh – Giám đốc Vườn Quốc gia Yók Đôn, tỉnh Đắk Lắk – cho hay năm 2018, Tổ chức Động vật châu Á đã tài trợ 65.000 USD trong vòng 5 năm để vườn chuyển đổi mô hình từ cưỡi voi sang du lịch thân thiện đối với 3 con voi. Từ đó, 3 con voi của vườn được chăn thả tự nhiên.
Hằng ngày, nài voi theo dõi sát sao quá trình di chuyển, kiếm ăn của chúng trong rừng. Khách du lịch được vào rừng tham quan, tìm hiểu các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày của voi. Du khách được ngắm voi từ xa, theo dõi chúng ăn, tắm, ngủ và đi dạo với chúng trong rừng… thay vì cưỡi như trước đây.
“Sau hơn 4 năm triển khai mô hình du lịch thân thiện với voi, điều cảm nhận rõ nhất là sức khỏe của chúng tốt lên hẳn. Những con voi được ở trong rừng ngày càng sung mãn, không còn đau ốm vặt như trước. Du khách cũng dần quen với việc ngắm voi, tìm hiểu tập quán của chúng thay vì ngồi trên lưng voi đi trên đường nhựa hoặc băng rừng, lội suối. Do đó, chúng tôi mong muốn sau khi kết thúc gói tài trợ trên, vườn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm để những chú voi được bảo vệ tốt hơn” – ông Linh bày tỏ.
Hỗ trợ chủ nuôi, nài voi
Trước đó, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều về chính sách bảo tồn voi. Cụ thể, hỗ trợ 500.000 đồng/chủ voi cái/ngày và 600.000 đồng/chủ voi đực/ngày trong thời gian 30 ngày chúng gặp gỡ, giao phối. Thời gian voi mang thai và sinh sản, hỗ trợ 300.000 đồng/ngày trong 10 tháng đầu thai kỳ; 600.000 đồng/ngày từ tháng 11 thai kỳ đến tháng thứ 6 sau khi chúng sinh con. Ngoài ra, nài chăm sóc voi trong thời gian chúng giao phối, sinh sản, nuôi con được hỗ trợ 200.000 đồng/ngày trong 29 tháng đối với nài voi cái và 30 ngày đối với nài voi đực.
Đến nay, Đắk Lắk chỉ còn 37 con voi nhà và khoảng 80-100 con voi rừng, giảm khoảng 90% so với năm 1980. Những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ và ý thức của người nuôi, voi Đắk Lắk được tạo điều kiện hơn trong việc sinh sản nhưng vẫn bất thành.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)