Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, kể trong một lần sang Nhật Bản, ông được đối tác chiêu đãi dĩa xoài Đài Loan (Trung Quốc). “Chỉ là nửa trái xoài, ăn rất nhạt nhưng họ trình bày rất đẹp. Dù không ngon bằng xoài Việt Nam nhưng xoài Đài Loan được bán với giá đến 300.000 đồng/kg. Tôi tự hỏi tại sao xoài Việt Nam không thể xuất sang các thị trường khó tính?” – ông ưu tư.
Năm 2021, một công ty sản xuất nước ép của Hàn Quốc – chiếm thị phần rất lớn ở Mỹ – khởi công nhà máy chế biến tại Bình Dương nhưng 80% nguyên liệu thì từ ĐBSCL. Ông Nguyễn Phương Lam băn khoăn: “Vậy tại sao họ không đặt nhà máy ở ĐBSCL? Ngoài vấn đề hạ tầng giao thông thì còn khó khăn nào cản trở?”.
Hiện nay, mối liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản hàng đầu tại ĐBSCL rất kém. Ngoài ra, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành nông nghiệp cũng èo uột. Tại ĐBSCL, chỉ có 2 DN FDI đầu tư vào nông nghiệp với quy mô vài chục ngàn USD. Khi không có DN trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, ngành này khó tiếp cận sự chuyển giao khoa học – công nghệ cũng như nâng cao giá trị.
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cây ăn trái cần phải thay đổi nhiều, nếu không thì xuất khẩu rất bấp bênh. Không riêng cây ăn trái mà cả nền sản xuất nông nghiệp của ta cũng vốn chỉ chăm chăm vào việc phải đạt năng suất cao.
Nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất để nông sản đáp ứng được nhu cầu thị trường. Ảnh: NGỌC TRINH
“Ở ta, cam, quýt mỗi vụ đạt năng suất đến 80-100 tấn/ha vì nông dân trồng san sát nhau, không có cả lối đi; trong khi các nước khác chỉ đạt 25 tấn/ha nhưng họ trồng thưa, ít sâu bệnh. Chú trọng năng suất cao rất dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường” – ông Châu nhận định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL và Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL đặt tại TP Cần Thơ. Nhiệm vụ trọng tâm của BCĐ là nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT các cơ chế, chính sách thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi quản lý, các giải pháp nâng cao hiệu quả điều phối phát triển vùng theo Nghị quyết 120 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, BCĐ còn giúp kết nối DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; kết nối chuỗi ngành hàng, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Ngoài ra, BCĐ cũng sẽ hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng, kết hợp hài hòa giữa đầu tư công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn. Từ đó, tạo ra sức mạnh trong việc liên kết vùng ĐBSCL, mở ra không gian kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiện đại.
“Bây giờ không chỉ là sản xuất rẻ, chất lượng nữa mà quy trình canh tác phải không gây biến đổi khí hậu, không phát thải khí nhà kính, không hủy hoại môi trường… – thế giới gọi là tiêu dùng xanh. Mình đang luẩn quẩn chuyện chuyển sản lượng qua chất lượng chưa xong, trong khi thế giới đã thay đổi. Tới một ngày nào đó, nông sản của mình không bán qua được châu Âu hay Mỹ nữa. Do vậy, việc tăng cường liên kết, kết nối là rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường và sự chuyển đổi nhanh trong xu thế tiêu dùng thế giới” – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)