Là nước tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, nhu cầu về kim loại quý này ở Ấn Độ là không có giới hạn. Tại đây, vàng không chỉ là biểu tượng cho địa vị xã hội mà còn mang giá trị tôn giáo và văn hóa, thường được mua để làm quà tặng trong lễ cưới, sinh nhật và một số dịp lễ tôn giáo.
Hoãn cưới vì giá vàng
Giá vàng tăng đã khiến ngành tổ chức tiệc cưới Ấn Độ rơi vào hỗn loạn. Anh Pankaj Dhariya, 34 tuổi, nhân viên kinh doanh ở bang Uttar Pradesh – Ấn Độ, đã hoãn đám cưới vào tháng 4 tới vì phía nhà gái không đủ khả năng để tặng vàng cho nhà trai (theo phong tục trao hồi môn trong lễ cưới của Ấn Độ).
Anh Dhariya chia sẻ: “Cha tôi khuyên gia đình cô dâu mua vàng trả góp. Tuy nhiên, họ nói rằng chi phí tổ chức tiệc, địa điểm, quà tặng và quần áo đã rất cao nên họ chỉ có đủ khả năng tặng tôi trang sức bằng bạc. Thế là đám cưới lập tức bị hoãn”.
Bà Tanya Rastogi, giám đốc cửa hàng trang sức Lala Jugal Kishore Jewelers tại TP Lucknow, bang Uttar Pradesh, cho hãng tin Bloomberg hay rằng doanh số bán hàng tại công ty đã giảm 25% trong hai tuần đầu tháng 3 do giá vàng tăng cao, khiến nhu cầu mua đồ trang sức cho lễ cưới lẫn đầu tư đều chậm lại.
Khách xem trang sức bằng vàng tại cửa hàng TP Kolkata – Ấn Độ. Ảnh: REUTERS
Theo bà Rastogi, người mua liên tục gọi điện để kiểm tra giá vàng hằng ngày. Giá vàng tại Ấn Độ chạm mốc 55.000 rupee/10 g vàng 24 carat (729 USD) vào đầu tháng này. Hồi tháng 8-2020, giá vàng ở Ấn Độ lập kỷ lục là hơn 56.000 rupee/10 g (736 USD) do tâm lý hoảng loạn vì đại dịch Covid-19. Hiện tại, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cho biết nhiều người dân nước này đã lấy vàng làm tài sản thế chấp để đi vay ngắn hạn.
Giá vàng chịu nhiều ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine, vừa giảm xuống theo diễn biến của các cuộc đàm phán hòa bình lại quay đầu tăng giá trong tuần này khi xung đột leo thang. Giá vàng hôm 25-3 tại Ấn Độ có lúc chạm mốc 1.965 USD/ounce.
Bất chấp những biến động về giá, Hội đồng Vàng thế giới dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục kéo dài và làm tăng sức hấp dẫn của vàng. Dự đoán giá vàng tiếp tục leo thang, ông Vincent Tie, giám đốc bán hàng tại Công ty Giao dịch vàng Silver Bullion (Singapore), nhận định: “Chi phí khai thác vàng tăng lên cùng với giá dầu cao hơn có thể đẩy giá vàng cao hơn nữa”.
Thái Lan, một trong những thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất châu Á, cũng không tránh khỏi bị tác động. Hiệp hội các nhà kinh doanh vàng Thái Lan dự báo giá kim loại quý này có thể lên tới 33.000 baht/15 g (khoảng 985 USD) nếu xung đột Nga – Ukraine tiếp diễn.
Một nhân viên bán hàng đang trưng bày trang sức ở cửa hàng TP Kolkata – Ấn Độ Ảnh: Reuters
Nghịch lý dầu ăn
Indonesia đang đối mặt với tình cảnh giá tăng, thậm chí khan hiếm dầu ăn suốt nhiều tháng qua. Nhiều người than thở rằng giá dầu ăn tăng chóng mặt đến nỗi tầng lớp thu nhập thấp, chiếm phần lớn trong tổng số 270 triệu dân, không thể mua nổi.
Mấy tuần qua, phương tiện truyền thông địa phương liên tục đăng tải hình ảnh người dân xếp hàng nhiều giờ để chờ mua mặt hàng thiết yếu này. Ở siêu thị và cửa hàng tiện lợi, kệ hàng bán dầu ăn đều trống trơn. Một số siêu thị tại thủ đô Jakarta, người mua chỉ có thể tìm thấy dầu ăn nhập khẩu chiết xuất từ hạt cải, hướng dương và bắp, có giá ít nhất 5 USD/lít.
Chủ cửa hàng đồ ăn nhanh Rudi Saputra phàn nàn với đài CNA rằng dầu ăn khan hiếm buộc anh phải nấu ít đồ ăn hơn vì không thể tăng giá. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng và khách sạn Indonesia (PHRI) Hariyadi Sukamdani cho biết nhà hàng không thể phục vụ các món ăn chế biến bằng dầu ăn.
Tình trạng thiếu hụt dầu ăn thật trớ trêu bởi Indonesia là nước sản xuất dầu cọ thô (CPO) lớn nhất thế giới. Tại Indonesia, đa số người dân đều tiêu thụ dầu ăn chiết xuất từ dầu cọ.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã ảnh hưởng đến nguồn cung của các loại dầu thực vật khác, khiến giá dầu cọ tăng mạnh, biến dầu ăn trở thành mặt hàng khan hiếm ở Indonesia. Một số nhà bán lẻ phải quy định mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 2 lít dầu ăn nếu còn hàng.
Dầu ăn trở thành mặt hàng khan hiếm ở Indonesia. Ảnh: Independent Observer
Kệ hàng bán dầu ăn tại một siêu thị ở Indonesia. Ảnh: SCMP
Bộ trưởng Thương mại Muhammad Lutfi cho biết sẽ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm dầu cọ. Chính quyền hy vọng các nhà sản xuất ngừng tích trữ dầu ăn, ổn định vấn đề thiếu hụt, dù có thể mất vài tuần.
Căng thẳng Nga – Ukraine cũng ảnh hưởng đến châu Phi, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu từ 2 quốc gia này. Lúa mì, bắp, dầu hướng dương và phân bón là những mặt hàng thiết yếu bị ảnh hưởng.
Lâu nay, Nga và Ukraine là hai nhà cung cấp lúa mì lớn nhất cho Ai Cập, chiếm tới 80% lượng lúa mì nhập khẩu của nước này. Tình thế khó khăn buộc Ai Cập phải chuẩn bị cho khả năng giá hàng hóa leo thang, nhất là lúa mì, bằng cách đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu và mua từ nông dân địa phương.
Ai Cập đặt mục tiêu mua 6 triệu tấn lúa mì từ nông dân địa phương, tương đương 60% sản lượng thu hoạch dự kiến và áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, đậu, đậu lăng, bột mì và mì ống trong vòng 3 tháng. Dù chuẩn bị như thế nhưng Mỹ cho rằng giá cả toàn cầu tăng sẽ cản trở khả năng thu mua khối lượng lớn lúa mì của Ai Cập từ các nguồn quốc tế.
Chính phủ các nước ở châu Phi khác cũng nỗ lực ngăn chặn nguy cơ khan hiếm lương thực do gián đoạn nguồn cung, chi phí nhập khẩu tăng. Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune cấm xuất khẩu mọi sản phẩm thực phẩm có chứa thành phần nhập khẩu. Trong khi đó, chính phủ Morocco hứa trợ cấp cho các nhà khai thác vận tải.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)