Anh vừa trở thành nước đầu tiên phê duyệt sử dụng một phiên bản vắc-xin cập nhật của hãng Moderna (Mỹ) nhằm vào chủng virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 ghi nhận năm 2020 và biến thể Omicron.
Vắc-xin trên dự kiến được đưa vào sử dụng như mũi tăng cường vào mùa thu năm nay sau khi được Cơ quan Quản lý thuốc và các sản phẩm y tế Anh (MHRA) bật đèn xanh hôm 15-8. Chính phủ Anh chưa cho biết những ai sẽ được tiêm vắc-xin này và thời điểm chính xác.
Tuy nhiên, Ủy ban Hỗn hợp về tiêm chủng và miễn dịch Anh (JCVI) ủng hộ sử dụng nó trong chiến dịch tiêm chủng tăng cường vào tháng tới cho tất cả người trên 50 tuổi và người thuộc các nhóm nguy cơ cao.
MHRA cho biết các loại vắc-xin Covid-19 hiện nay được phát triển để đối phó với chủng virus gốc và vẫn tiếp tục cung cấp sự bảo vệ hiệu quả. Tuy nhiên, phiên bản cải tiến sẽ giúp tăng cường năng lực phòng chống dịch trước sự biến đổi không ngừng của virus.
Bà June Raine, Giám đốc điều hành MHRA, nhận định vắc-xin chuyên ngừa Omicron là vũ khí sắc bén để giúp bảo vệ người dân trước dịch bệnh, cũng như là bước tiếp theo trong nỗ lực phát triển vắc-xin đối phó virus Covid-19.
Theo đài CNBC, các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy một mũi tiêm tăng cường của loại vắc-xin mới tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn đối với chủng gốc 2020 và biến thể phụ Omicron BA.1 (xuất hiện tại Anh vào mùa đông năm ngoái). Ngoài ra, vắc-xin còn tạo phản ứng miễn dịch tốt đối với 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron, hiện là các chủng trội tại Anh.
Nước Anh vừa phê duyệt sử dụng một phiên bản vắc-xin cập nhật của hãng Moderna (Mỹ) nhằm vào chủng gốc virus SARS-CoV-2 và biến thể phụ Omicron BA.1Ảnh: Reuters
Ông Stephane Bancel, Giám đốc điều hành Moderna, hoan nghênh quyết định của Anh, đồng thời nhấn mạnh vắc-xin “lưỡng trị” nói trên đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe người dân nước này vào những tháng mùa đông sắp tới.
Theo Reuters, Moderna hy vọng Úc, Canada và Liên minh châu Âu (EU) sẽ phê chuẩn vắc-xin mới trong những tuần tới. Moderna không phải là công ty duy nhất cập nhật vắc-xin để đối phó các biến thể mới.
Hồi tháng 6, hai công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đã tiến hành thử nghiệm 2 loại vắc-xin nhằm vào Omicron. Theo họ, kết quả ban đầu cho thấy chúng tạo ra phản ứng miễn dịch cao hơn đáng kể so với các vắc-xin hiện nay. BioNTech cho biết thêm 2 vắc-xin mới này có thể được đưa vào sử dụng trong tháng 10 nếu được các cơ quan chức năng cấp phép.
Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) kỳ vọng loại vắc-xin mới sẽ được phê chuẩn sử dụng tại EU vào tháng 9. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) muốn vắc-xin mới bổ sung thêm tính năng phòng chống BA.4 và BA.5 nếu muốn được đưa vào sử dụng tại nước này.
Ấn Độ hy vọng sẽ có vắc-xin chuyên ngừa Omicron trong 6 tháng nữa, theo giới chức Viện Huyết thanh Ấn Độ. Ngoài ra, theo trang Japan Times, chính phủ Nhật Bản dự kiến đưa vào sử dụng loại vắc-xin tương tự sớm nhất là vào tháng 10.
Vắc-xin được xem là một trong những “vũ khí” hiệu quả nhất để giảm sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của virus. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa The Lancet hồi tháng 6 ước tính vắc-xin Covid-19 đã ngăn gần 20 triệu trường hợp tử vong trong năm sử dụng đầu tiên.
Dù vậy, chuyên gia Jonathan Ball tại Trường ĐH Nottingham (Anh) lưu ý rằng việc tăng cường miễn dịch chống Omicron có thể đẩy virus SARS-CoV-2 sang những hướng biến đổi khác.
Covid-19 xuyên phá một trong những thành trì cuối cùng
Sau khi tránh được đại dịch Covid-19 trong 2 năm, quần đảo Marshall, với dân số khoảng 60.000 người, đang chật vật kiểm soát sự bùng phát nhanh chóng của dịch bệnh. Số ca mới đã tăng gấp 3 lần kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng được phát hiện cách đây 1 tuần. Theo số liệu thống kê trên trang Worldometers.info, đảo quốc ở Bắc Thái Bình Dương này hiện có gần 4.000 ca và 5 trường hợp tử vong vì Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Jack Niethendal cho biết khoảng 1.000 trường hợp đã được ghi nhận tại thủ đô Majuro hôm 14-8, gần gấp đôi so với một ngày trước đó. Cũng theo ông Niedenthal, khoảng 75% trường hợp xét nghiệm Covid-19 cho kết quả dương tính. Theo trang The Guardian (Anh), khoảng 70% dân số từ 6 tháng tuổi trở lên tại quần đảo Marshall đã được tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19. Số ca mắc Covid-19 tăng vọt đang gây áp lực lên hệ thống y tế, buộc Bộ Y tế phải kêu gọi cả nhân viên mắc Covid-19 trở lại làm việc.
Nhờ các biện pháp phòng chống nghiêm ngặt, quần đảo Marshall là một trong số ít quốc gia chưa có ca Covid-19 trong cộng đồng trước khi đợt dịch trên bùng phát. Đảo quốc này là một trong những quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới đối với du khách quốc tế vào ngày 8-3-2020, vài ngày trước khi Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Trên phạm vi toàn cầu, số ca mắc mới và trường hợp tử vong vì Covid-19 trong tuần qua lần lượt giảm 15% và 12% so với tuần lễ trước đó. Đáng chú ý, theo hãng tin UPI (Mỹ), Nhật Bản dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới, trung bình 200.000 ca/ngày và có số ca tử vong vì Covid-19 cao gần mức kỷ lục.
Xuân Mai
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)