Trang chủ Đời sốngHàng hóa - Tiêu dùng Thịt heo, gà vẫn quẩn quanh sân nhà

Thịt heo, gà vẫn quẩn quanh sân nhà

bởi Linh

Ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển nóng trong thời gian qua nhờ sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, DN nước ngoài. Tuy nhiên, sản phẩm của ngành chủ yếu vẫn phục vụ thị trường nội địa, xuất khẩu rất ít ỏi. Nguyên nhân ngoài việc khó đáp ứng hàng rào kỹ thuật do còn lưu hành nhiều loại dịch bệnh như cúm gia cầm, tả heo châu Phi, heo tai xanh… thì còn bởi giá thành cao so với mặt bằng.

Đâu dễ xuất khẩu

Năm 2021, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đạt 440 triệu USD nhưng nhập khẩu lên đến 3,4 tỉ USD, nhập siêu 2,96 tỉ USD. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi cả nước đạt 138,9 triệu USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu tuy giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn ở mức 1,3 tỉ USD. Như vậy, chỉ trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu gần 1,2 tỉ USD các loại sản phẩm chăn nuôi.

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Singapore gần đây bị thiếu hụt sản phẩm thịt gà bởi nguồn cung truyền thống của họ là Malaysia với thị phần lên tới 34% bị dừng đột ngột. Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà từ cuối tháng 5 để bảo đảm tiêu dùng nội địa song sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam không dễ chen chân vào thay thế.

“Singapore là nước có tiêu chuẩn nhập khẩu rất khắt khe. Chưa kể, giá thành sản phẩm thịt gà của Việt Nam cao hơn Brazil và Mỹ – 2 nước đang xuất khẩu gà sang Singapore với thị phần lần lượt là 49% và 12%. Ngoài ra, để xuất khẩu thịt gà sang Singapore, Việt Nam phải trải qua đàm phán nhưng dù đã đàm phán nhiều năm, chúng ta vẫn chưa mở cửa thành công với thị trường này” – ông Nguyễn Thanh Sơn phân tích.

Thịt heo, gà vẫn quẩn quanh sân nhà - Ảnh 1.

Sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chủ yếu bán trong nước, không dễ hướng tới xuất khẩu Ảnh: AN NA

Đến nay, Việt Nam chỉ xuất khẩu được thịt gà chế biến sang các nước Nhật Bản (từ năm 2017), Hồng Kông – Trung Quốc (từ năm 2019) và Liên minh Kinh tế Á – Âu (từ năm 2021). Tính cả năm 2021, Việt Nam mới xuất khẩu được 2.531 tấn thịt gà chế biến các loại, chủ yếu sang thị trường Nhật Bản và Hồng Kông.

“Không chỉ gia cầm mà ngành chăn nuôi Việt Nam nhìn chung không có nhiều lợi thế, giá thành cao. Chúng ta không chỉ phải nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà các giống cao sản gà công nghiệp, heo, bò sữa cũng phải nhập ngoại. Nhập siêu sản phẩm chăn nuôi lên đến gần 3 tỉ USD trong năm 2021” – ông Sơn chỉ rõ.

Ông L.T.P, lãnh đạo một DN chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai, cho rằng sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam lâu nay chưa xuất khẩu được nhiều bởi ngành chăn nuôi còn lưu hành nhiều loại dịch bệnh. Để xuất khẩu được, Việt Nam phải thiết lập các vùng an toàn dịch bệnh đến từng xã, huyện. Ngoài ra, cần đàm phán với từng thị trường chứ không đơn giản hễ muốn xuất khẩu là xuất khẩu được!

Tập trung vào thị trường nội địa

TS Nguyễn Thanh Sơn cho rằng với những khó khăn như phải nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và giống, nhiệm vụ trước mắt của ngành chăn nuôi Việt Nam chỉ là phục vụ thị trường nội địa, thay thế dần hàng xuất khẩu. Về trung và dài hạn, khi nâng cao được năng lực cạnh tranh, tăng chất lượng, giảm giá thành, ngành này mới có thể hướng đến xuất khẩu.

Lãnh đạo một DN chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai cho rằng chiến lược xuất khẩu phải là một chiến lược dài hạn. Malaysia chỉ đình chỉ xuất khẩu thịt gà trong ngắn hạn nên chúng ta không nên đặt vấn đề tận dụng cơ hội này để xuất khẩu.

“Khi DN Việt Nam chuẩn bị xong các bước để hướng đến xuất khẩu thì Malaysia và Singapore có thể đã nối lại giao thương rồi. Trong khi đó, vòng đời gà công nghiệp ngắn, chỉ khoảng 45 ngày, nên Malaysia sẽ sớm tăng đàn để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu trở lại” – lãnh đạo DN này phân tích.

Theo ông Nguyễn Như Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình (TP HCM), tuy DN của ông sản xuất theo chuỗi từ con giống đến sản phẩm cuối cùng bán cho người tiêu dùng song vẫn bị tác động mạnh bởi chi phí đầu vào. Mỗi năm, DN phải nhập 3 đợt gà giống bố mẹ nhưng năm qua do tình hình dịch Covid-19 nên chỉ nhập được 1 đợt, khiến năng suất giảm sút, đàn gà già cỗi.

“Nếu chuỗi cung ứng được nối lại hoàn toàn, đến cuối năm nay, tình hình sản xuất mới ổn định trở lại. Do đó, mục tiêu của DN là bảo đảm sản lượng phục vụ thị trường trong nước chứ chưa tính đến chuyện xuất khẩu” – ông Sinh cho hay.

TS Nguyễn Thanh Sơn dự báo nguồn cung heo, gà trong nước năm nay có thể đủ phục vụ tiêu dùng nội địa, không lo thiếu hụt nhờ chi phí đầu vào không còn tăng nóng và các DN bắt đầu có lãi trở lại, từng bước tranh thủ giá tốt để tăng đàn.

Trông cậy vào chăn nuôi công nghệ cao

GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, nhận xét kinh tế hộ chăn nuôi hiện đã giảm sút nhiều, không còn đóng vai trò chủ đạo như trước. Thay vào đó, chăn nuôi công nghệ cao từ các DN đang phát triển mạnh, kéo theo số lượng gia súc, gia cầm tăng lên đáng kể. Đây là tín hiệu tốt cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu.

N.Hải

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm