Tại một sự kiện ở TP Samsun ven biển Đen vào ngày 3-9, Tổng thống Erdogan cáo buộc Hy Lạp “đang chiếm đóng” các đảo trên vùng biển Aegea giữa hai nước. “Sự chiếm đóng của các vị không ràng buộc chúng tôi” – ông Erdogan nói.
Ngoài ra, ông Erdogan đe dọa sẽ buộc Hy Lạp phải trả cái giá nặng nề nếu Athens tiếp tục quấy rối máy bay của nước này ở biển Aegea.
Khi nhắc đến các đảo vốn được giữ trạng thái phi quân sự theo các hiệp ước trong lịch sử giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, ông Erdogan cảnh báo: “Này Hy Lạp. Hãy nhìn lại lịch sử. Nếu các vị làm leo thang tình hình, các ngài sẽ phải trả giá đắt. Chúng tôi sẽ có những hành động cần thiết vào đúng thời điểm, thời khắc phù hợp”.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan dọa buộc Hy Lạp sẽ phải “trả giá đắt” nếu tiếp tục đe dọa máy bay Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Thậm chí, ông Erdogan lần nữa nói bóng gió đến khả năng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lãnh thổ Syria: “Khi thời điểm tới, chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết. Như đã nói, chúng tôi có thể đột ngột hành động chỉ trong một đêm”.
Theo đài RT, Bộ Ngoại giao Hy Lạp tuyên bố rằng họ không tham gia vào những hành động căng thẳng thái quá từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Thay vào đó, Bộ Ngoại giao Hy Lạp sẽ đưa các tuyên bố thù địch của Thổ Nhĩ Kỳ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
“Chúng tôi sẽ thông báo cho đồng minh và đối tác của mình về nội dung của các tuyên bố khiêu khích để làm rõ ai đang gây khó trong việc hàn gắn ở giai đoạn nguy hiểm” – Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết.
Căng thẳng mới giữa hai nước láng giềng bùng phát khi cuối tháng 8, các máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biển Aegea đã bị hệ thống phòng không S-300 của Hy Lạp nhắm vào.
Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự của Hy Lạp phủ nhận vụ việc, nói với truyền thông địa phương rằng không có hệ thống phòng không nào của nước này được kích hoạt vào ngày xảy ra vụ việc.
Hãng tin Reuters cho biết thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên cáo buộc lực lượng vũ trang Hy Lạp cản trở hoạt động của máy bay quân sự. Ở chiều ngược lại, Hy Lạp liên tục bác bỏ thông tin nước này vũ trang hóa những quần đảo trên biển Aegea.
Những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần phàn nàn về các “hành động gây hấn” của Hy Lạp – đồng minh trong NATO. Hai nước này có tranh chấp ở vùng biển và vùng trời trên biển Aegea, khiến các cuộc chạm trán trên không diễn ra thường xuyên.
Ankara cho rằng việc Athens đóng quân trên các hòn đảo ở biển Aegea là động thái vi phạm thỏa thuận hòa bình được ký kết sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ 2. Trong khi đó, Hy Lạp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đưa máy bay bay qua vùng trời của các đảo thuộc chủ quyền nước này.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)