Tạp chí Newsweek ngày 3-9 cho biết đợt nắng nóng thiêu đốt kể trên được dự báo đặc biệt nghiêm trọng.
Là một trong những khu vực nóng nhất trên Trái Đất và khô hạn nhất ở Bắc Mỹ, “Thung lũng chết” thường ghi nhận các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở “Thung lũng chết” là 134 độ F (57 độ C) vào tháng 7-1913. Theo Yahoo News, với nhiệt độ 127 độ F (53 độ C) ngày 1-9, thung lũng này đã xác lập kỷ lục trong tháng 9-2022.
“Thung lũng chết” ở Mỹ. Ảnh: NDTV
Abby Wines, phát ngôn viên của Vườn quốc gia “Thung lũng chết”, nói với Reuters: “Tôi ước gì trời mát mẻ hơn. Tháng 9 này nóng bất thường”.
Nhà khoa học khí hậu Daniel Swain cũng chia sẻ về đợt nắng thiêu đốt dự kiến xảy ra trong tháng 9 này.
Dự báo một số khu vực của bang California sẽ lập kỷ lục về nhiệt độ trong vài ngày tới.
Trong khi đó, Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Pakistan (NDMA) cho biết số người thiệt mạng do lũ lụt tàn khốc kể từ tháng 6 năm nay đã lên tới 1.290 người, với 29 người chết trong 24 giờ qua.
Các cơ quan chính phủ Pakistan và tổ chức phi chính phủ tư nhân vẫn tiếp tục hoạt động cứu trợ.
Nhiều khu vực của Pakistan đang bị nhấn chìm trong nước lũ – đặc biệt là các tỉnh Balochistan, Khyber Pakhtunkhwa và Sindh ở phía Nam.
Ngoài ra, ít nhất 1.468.019 ngôi nhà bị hư hại một phần hoặc toàn bộ và 736.459 con gia súc bị chết do lũ lụt. Ước tính ban đầu về thiệt hại là 10 tỉ USD.
Tại Trung Quốc, những người nông dân trồng đậu phộng bị ảnh hưởng nặng nề do thời tiết khắc nghiệt khiến đậu phộng không ra hạt.
Quả không hạt là hậu quả của hạn hán xen kẽ với mưa nhiều trong các thời kỳ trồng và sinh trưởng chính của cây.
Đây được xem là tin xấu đối với Trung Quốc sau khi nông dân ở quốc gia này thu hẹp diện tích trồng trọt.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)