Một thực trạng đã diễn ra hàng chục năm nay là mặc dù cơ sở hạ tầng ở nông thôn ngày càng được đầu tư hiện đại, giao thông thông suốt nhưng cư trú ở những khu vực này đều chỉ là người lớn tuổi. “Trẻ” nhất cũng ở lứa U50-U60!
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển thần tốc về kinh tế, tỉ lệ đô thị hóa ở Hàn Quốc đạt đến hơn 80%, dẫn đến việc người trẻ đổ xô đến các đô thị để sinh sống, học tập và làm việc. Tình trạng chuyển dịch dân cư cơ giới bất thường này, cộng thêm sự già hóa dân số và tỉ suất sinh giảm kỷ lục, khiến khu vực nông thôn Hàn Quốc đang bắt đầu “hoang hóa”.
Để tái kích thích phát triển khu vực này, chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó một trụ cột chính là đầu tư phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với các giá trị bản địa (hoặc thậm chí là tạo ra giá trị nhân tạo!).
Người viết bài này đã dành 1 tuần ở hòn đảo Gwanmaedo thuộc quần đảo Jindo, tỉnh Jeollanam để cùng nhóm tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới tham gia làm mới diện mạo các làng chài trên đảo, qua đó có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về cách cư dân địa phương và cơ quan chính phủ cùng biến hòn đảo này thành một địa điểm du lịch mới nổi.
Một phần việc chính mà nhóm 15 người chúng tôi thực hiện ở Gwanmaedo trong 7 ngày là sơn, vẽ lại trên các mảng tường đã bong tróc ở các căn nhà trên đảo
Và dưới đây là một số điểm người viết cảm thấy ấn tượng.
Thứ nhất, muốn phát triển khu vực nào, giao thông nói riêng và cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước. Tuyến phà hằng ngày kết nối đất liền với đảo sử dụng loại phà lớn, có thể chở theo hàng trăm hành khách và hơn 30 ôtô, kể cả xe có tải trọng lớn như xe chở xăng dầu.
Ngoài ra, toàn bộ tuyến đường chính ở đảo được trải nhựa, đường sá thông suốt tới từng nhà dân. Ngoài trạm y tế trên đảo, nếu có trường hợp nào cần cấp cứu, trực thăng y tế từ đất liền sẽ đến đảo trong vòng 30 phút, bảo đảm khách được cấp cứu và chuyển viện kịp thời.
Thứ hai, hòn đảo nằm trong một công viên hải dương quốc gia lớn. Chính quyền Seoul đã giao các công viên quốc gia trên cả nước phối hợp với người dân địa phương để khai thác và phát triển tài nguyên du lịch bản địa. Từ đó, Gwanmaedo từ một hòn đảo tập trung vào nghề đánh cá và trồng rong biển, nay dần dần chuyển mình trở thành một hòn đảo du lịch.
Để làm được điều này, phía nhà nước chi tiền, người dân góp công để “tân trang” lại hòn đảo thông qua việc sơn sửa lại nhà cửa, mở đường mòn trekking, dựng các bảng hướng dẫn/chỉ đường… Từ đây, diện mạo hòn đảo mỗi ngày một khác và du khách ngày càng kéo đến đông hơn.
Thứ ba, Hàn Quốc vốn có thế mạnh về truyền thông và xây dựng thương hiệu. Ở Gwanmaedo, người ta lấy hình ảnh của một loại hoa đặc trưng của đảo để biến nó thành logo trên tất cả các cửa hiệu, bảng hướng dẫn, sản phẩm du lịch địa phương…
Những cảnh đẹp của đảo cũng được tập hợp lại thành một danh sách gọi là “Gwanmaedo bát cảnh”, tức 8 cảnh đẹp của đảo Gwanmaedo và du khách được khuyến khích đi hết 8 cảnh này để nhận giấy chứng nhận của địa phương. Đây là một cách làm du lịch rất hay để giữ chân du khách, vì để có thể trải nghiệm hết 8 cảnh này, cần ít nhất 2-3 ngày.
Điều cuối cùng nhưng không kém quan trọng là con người. Người dân địa phương, nói theo một cách nào đó, dần dần trở thành những người làm du lịch, với các dịch vụ cơ bản phục vụ du khách nở rộ như homestay, quán ăn, đặc sản địa phương, thuê xe đạp…
Những dịch vụ này là thứ đã khiến Gwanmaedo dần hồi sinh từ một hòn đảo ít tiếng tăm, ít dân cư trú (trường tiểu học duy nhất trên đảo đã phải bỏ hoang hàng chục năm qua vì không còn trẻ em).
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)