Cơ chế “một cửa” từng giúp các KCX-KCN và Khu Công nghệ cao TP HCM thu hút đầu tư hiệu quả trong những năm trước nhưng nay đã trở thành “nhiều cửa” gây khó khăn, phiền hà và thiệt hại cho doanh nghiệp (DN).
“Một cửa” thành “nhiều cửa”
Hiệp hội Các DN KCN TP HCM (HBA) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng về một số bất cập liên quan đến thủ tục hành chính và môi trường đầu tư. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA, thông tin TP HCM đang kém hấp dẫn so với các tỉnh, thành khác về chỉ số cạnh tranh môi trường đầu tư, một phần do những bất cập trong cơ chế.
Nhiều doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao TP HCM khổ sở vì thủ tục hành chính trong 2 năm trở lại đây .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chẳng hạn, Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định cơ chế ủy quyền cấp giấy phép về tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho các tỉnh, thành và xuống tận Ban Quản lý KCN, nhất là các ban quản lý có đầy đủ năng lực. Điều này có vẻ như chế độ “một cửa” tại ban quản lý KCN đã được thực hiện nhưng thực chất là 2 lớp giấy phép.
Theo đó, phải có “giấy phép con” của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường thì ban quản lý mới cấp được giấy phép sau thẩm định.
“Vì quy định này mà rất nhiều DN gặp rắc rối khi thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đánh giá tác động môi trường. Điển hình như Công ty CP Đầu tư Thương mại Sunshine Tech – Chi nhánh TP HCM đổi tên là Công ty Unicloud – Chi nhánh TP HCM, đã làm thủ tục 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được giấy phép tác động môi trường. Nhiều DN khác cũng trong tình trạng tương tự” – ông Bé phản ánh.
Chủ tịch HBA chỉ ra hiện tượng công chức “sợ trách nhiệm” khi thực thi nhiệm vụ, kể cả người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Đáng ngại hơn, có hiện tượng “vẽ rắn thành rồng”, quy định của nhà nước được thêm thắt cho chặt chẽ đến mức thành “nút thắt”.
Đơn cử, về “điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2.000”, KCX Linh Trung 3 (tỉnh Tây Ninh) giải quyết trong 2 tháng là có giấy phép nhưng “điều chỉnh quy hoạch cục bộ” tại KCX Linh Trung 1 và 2 (TP HCM) mất đến hơn 2 năm vẫn chưa có giấy phép.
Các DN còn cho biết với hồ sơ xin đăng ký, cấp đổi chứng nhận đầu tư, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao yêu cầu những thông tin quá chi tiết về cột mốc thời gian xin phê duyệt quy hoạch, bản vẽ, xây dựng… gây khó khăn cho DN trong việc giải trình nội bộ, làm phức tạp hóa thủ tục đầu tư. Chưa kể, đây là những thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, chiến lược hoạt động của DN.
Cần nhanh chóng gỡ điểm nghẽn
Công ty TNHH Sacom – Chíp Sáng (SCS) nhiều lần bày tỏ bức xúc vì DN này làm dịch vụ công nghệ cao đặt tại phân khu dịch vụ và quản lý công nghệ cao hơn 12 năm qua nhưng không được hưởng chế độ ưu đãi thuế thu nhập DN như quy định. Ngoài ra, SCS cũng nằm trong phân khu quản lý điều hành thương mại dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật, chức năng là tòa nhà dịch vụ cho thuê văn phòng.
Tuy nhiên, DN chưa được hướng dẫn cụ thể về việc xác định ngành nghề dịch vụ công nghệ cao, hỗ trợ và phụ trợ công nghệ cao, dịch vụ thương mại có nhu cầu thuê văn phòng là do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao có văn bản trả lời hay chờ Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét.
Các DN tại Khu Công nghệ cao cho rằng những khó khăn này một phần do sự chậm trễ từ phía Ban Quản lý. DN bày tỏ mong muốn Ban Quản lý, các sở, ngành phải có sự thống nhất, tiếp nối, phối hợp để giải quyết nhanh nhất các thủ tục hành chính. Quan trọng nhất, phải có hướng dẫn chi tiết, nhất quán cho DN về thủ tục, thẩm quyền, đầu mối tiếp nhận…
Đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề tồn tại như thủ tục đầu tư rườm rà, thiếu minh bạch, có sự chồng chéo, đùn đẩy giữa các cơ quan thực thi chính sách… đang làm giảm độ hấp dẫn về môi trường đầu tư của TP HCM.
Theo ông Jean Jacques Boufflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), thành phố cần xây dựng một khung pháp lý bền vững và có thể dự đoán được, bao gồm chính sách liên quan đến sử dụng đất, chiến lược khu công nghiệp và khu chế xuất cũng như những ưu đãi cho nhà đầu tư trong ngành năng lượng.
Trước thực tế khó khăn, vướng mắc của DN “không phải bây giờ mới nghe” nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý, lãnh đạo TP HCM yêu cầu các sở, ngành có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, cho hay trong năm 2022, bên cạnh Nghị quyết 02 của Chính phủ về đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM, các sở, ngành cố gắng rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho DN. Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành đang cung cấp thủ tục hành chính trực tuyến với trên 90% thủ tục giải quyết theo cấp độ 4.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, thừa nhận vấn đề thực hiện thủ tục hành chính còn nhiều hạn chế, gây phiền hà cho DN vì thẩm quyền nằm ở nhiều nơi. Ban Quản lý cam kết sẽ là đầu mối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho DN theo cơ chế một cửa liên thông; tối ưu hóa hoạt động, hướng dẫn cụ thể cho DN thực hiện.
Ông Trần Ngọc Liêm, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh TP HCM, nhận định để tiếp sức DN tăng tốc dịp cuối năm, cần rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn nữa.
Chỉ ra nghịch lý thu ngân sách đạt gần 1,1 triệu tỉ đồng trong 7 tháng đầu năm 2022 nhưng chính sách tài khóa như thuế, phí vẫn chưa bảo đảm hỗ trợ tối ưu cho DN, ông Liêm kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành nhanh chóng xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá xăng, giảm thuế giá trị gia tăng đối với những nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất…
Kiến nghị tăng quỹ đất xây dựng KCN, khu công nghệ cao
Đại diện HBA kiến nghị Chính phủ tăng thêm quỹ đất đầu tư xây dựng các KCN, khu kinh tế và khu công nghệ cao tại TP HCM để có thể đạt diện tích 3.700 ha cho 23 khu như quy hoạch. Song song đó, kiến nghị thành phố gia hạn thời gian hoạt động thêm 20 năm cho KCX Tân Thuận, KCX Linh Trung, các KCN Hiệp Phước, Tân Tạo, Tây Bắc Củ Chi, Lê Minh Xuân, Tân Phú Trung…
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)