Trong khuôn khổ chuyến làm việc tại tỉnh Quảng Nam, chiều tối 27-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Cần cơ chế đặc thù cho Hội An, Mỹ Sơn
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết từ khi tái lập tỉnh đến nay, qua chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển (1997-2022), tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả tích cực. Từ tỉnh thuần nông, Quảng Nam vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực. Năm 2021, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 23.773 tỉ đồng, gấp 102 lần so với năm 1997.
Ông Lê Trí Thanh cũng kiến nghị nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc bảo tồn phố cổ Hội An.
Theo đó, Hội An là đô thị di sản văn hóa thế giới, có đặc điểm khác biệt là một đô thị cổ có người dân sinh sống tập trung với đầy đủ các hoạt động kinh tế – văn hóa – xã hội, số lượng du khách trong nước và quốc tế đến rất đông. Điều này dẫn đến áp lực rất lớn trong việc bảo tồn sự toàn vẹn của di sản đồng thời vẫn phải duy trì và phát triển đời sống cho người dân. Vì thế, tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng đề án đặc thù riêng cho việc bảo tồn và phát huy đô thị cổ Hội An, trình Chính phủ quyết định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô của Tập đoàn Trường Hải (THACO)
Đối với khu đền tháp Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ thống nhất chủ trương cho xây dựng đề án xã hội hóa quản lý khai thác, phát huy di tích theo hướng công tác quản lý, trùng tu, bảo tồn do nhà nước quản lý; công tác quản lý khai thác, phát huy giá trị di tích sẽ được thực hiện xã hội hóa. Quảng Nam cũng đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh được sử dụng toàn bộ nguồn thu phí tham quan của 2 di sản Hội An, Mỹ Sơn để lại để chi đầu tư và chi hoạt động cho 2 di sản này.
Bên cạnh đó, Quảng Nam đề nghị Chính phủ giao UBND tỉnh chủ trì, phối hợp các bộ, ngành trung ương xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác, vận hành sân bay Chu Lai, cảng biển Chu Lai; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai; chính sách đất đai khi triển khai các dự án đầu tư trong khu kinh tế mở; cơ chế hình thành trung tâm quốc gia về công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tại Khu Kinh tế mở Chu Lai và bổ sung quỹ đất phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Nam; hình thành khu phức hợp giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế và giải quyết tồn tại kéo dài của dự án Làng Đại học Đà Nẵng, dự án nạo vét sông Trường Giang…
Cần phát huy tinh thần tự lực tự cường
Nêu ý kiến tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đều đánh giá cao tiềm năng, lợi thế cũng như phấn khởi trước những thành tựu mà tỉnh Quảng Nam đạt được trong thời gian qua. Lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng qua các đề xuất của địa phương cho thấy lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thật sự trăn trở, có khát vọng phát triển mạnh mẽ, có tư duy đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo các bộ, ngành đã đưa ra nhiều yêu cầu, đề xuất, gợi ý các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các tiềm năng, lợi thế của tỉnh ngày càng được phát huy trong thời gian tới. Về đề xuất cơ chế đặc thù cho Hội An, Mỹ Sơn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định bộ đồng tình với kiến nghị của Quảng Nam và đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Quảng Nam đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng sự phát triển hiện nay của Quảng Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hạ tầng chiến lược về giao thông thuận lợi nhưng khai thác, đầu tư chưa tương xứng. Hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu còn bất cập. Bên cạnh đó, đời sống đồng bào miền núi còn khó khăn, hộ nghèo nhiều. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chất lượng đội ngũ công chức hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Ngoài ra, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, công tác cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân cũng cần cải thiện.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam phát huy tối đa tinh thần tự lực tự cường, phát huy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ các nguồn lực để tập trung phát triển trên tất cả lĩnh vực. Trong đó, lưu ý phát triển nhanh nhưng bền vững, phát triển xanh.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Nam cần phải đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, phải tập trung vào công tác quy hoạch, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong năm 2022.
Đối với các nội dung kiến nghị của tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc, bởi đây là những vấn đề xuất phát từ thực tế; giao các bộ, ngành liên quan cử đầu mối chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam thực hiện các thủ tục theo đúng quy định.
Xây dựng cơ chế để thu hút đầu tư vào ngành cơ khí
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra cảng biển Chu Lai, sân bay Chu Lai; tham quan khu phức hợp cơ khí, sản xuất ôtô Chu Lai – Trường Hải của Tập đoàn Trường Hải (THACO).
Tham quan nhà máy của THACO, Thủ tướng cho biết nếu chúng ta phát triển được công nghiệp cơ khí thì chúng ta làm chủ được, nội địa hóa việc sản xuất ôtô – một ngành mà chúng ta khao khát hơn 40 năm qua. “Hiện nay, chúng ta đang dần dần có các doanh nghiệp như THACO, VinFast đang tích cực nội địa hóa. Một đất nước phát triển hiện đại thì phải có công nghiệp hiện đại, có nhiều ngành quan trọng nhưng cơ khí là nền tảng, vì vậy phải phát triển ngành cơ khí ” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào ngành cơ khí – ngành rất cơ bản để chúng ta phát triển.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)