Sáng 25-3, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp tổ chức tọa đàm “Kinh tế số (KTS) – Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn thành phố”. Tọa đàm nhằm tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN)… để hoàn thiện báo cáo đánh giá đóng góp của KTS trong GRDP thành phố cũng như chính sách hỗ trợ DN trong ngành.
Giải pháp phục hồi kinh tế
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng nhìn nhận chúng ta đang chứng kiến sự chuyển động nhanh như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự tác động đến mọi mặt và thúc đẩy sự phát triển với tốc độ chưa từng có của kinh tế – văn hóa – xã hội, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất.
“Kỷ nguyên số đã bắt đầu và dần dần thay thế con người trong những công việc nặng nhọc, độc hại, nhàm chán” – ông Lâm Đình Thắng đánh giá.
Theo ông Thắng, dù còn nhiều cách hiểu khác nhau nhưng nhìn chung, KTS làm gia tăng quy mô và thúc đẩy tăng trưởng cho các nền kinh tế. Bên cạnh đó, KTS còn có ý nghĩa rất nhân văn là tạo ra cơ hội cho nhiều người hơn, góp phần làm giảm khoảng cách giàu nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội, tăng sự tham gia của người dân, DN vào việc hoạch định chính sách…
TP HCM tiên phong trong việc xây dựng Chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, với nhiều tiềm năng phát triển KTS để đạt các mục tiêu đề ra. Giám đốc Sở TT-TT dẫn chứng TP HCM là một trong những địa phương có số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất nước; hạ tầng cáp quang, internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ 100% phường, xã, thị trấn; xu hướng số hóa, làm việc, học tập từ xa ngày càng phổ biến; các ứng dụng công nghệ phục vụ đời sống phát triển nhanh chóng…
“Tọa đàm này vừa là một cột mốc trong quá trình phát triển KTS của thành phố, vừa là khởi đầu cho những hoạt động tiếp theo mà trọng tâm là Chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ DN công nghệ, Diễn đàn Kinh tế thành phố với chủ đề KTS diễn ra vào tháng 4…” – ông Thắng thông tin.
Báo cáo đề dẫn, Phó Giám đốc Sở TT-TT Lê Quốc Cường cho hay Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI đã xác định một trong các giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế là đẩy mạnh chuyển đổi số. Do đó, việc tính toán để có con số đóng góp cụ thể của KTS đến thời điểm hiện tại đang là mối quan tâm của thành phố.
TP HCM xác định một số nhiệm vụ chủ yếu trong phát triển KTS, trong đó có hỗ trợ DN chuyển đổi số, phát triển KTS dựa trên đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ DN phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các DN, từ DN hạ tầng, dịch vụ công nghệ số hay nội dung số. Hiện 10 ngành được thành phố ưu tiên chuyển đổi số là: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính – ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng, đào tạo nhân lực.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM Trần Hoàng Ngân phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: PHAN ANH
Cần khung chính sách linh hoạt
Nhiều ý kiến cho rằng để thúc đẩy KTS, cần xác định chủ thể chính là DN, từ đó thiết lập một khung chính sách tích hợp nhưng linh hoạt, nhằm tối đa hóa lợi ích, giảm thiểu tác động tiêu cực.
TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm – ĐHQG TP HCM, nhấn mạnh trung tâm của phát triển KTS là DN. Do đó, để phát triển KTS thành công, cần xây dựng mục tiêu rõ ràng về việc hình thành bao nhiêu DN trong lĩnh vực KTS, đóng góp doanh thu lợi nhuận ra sao và trong khoảng thời gian nào.
Về những việc cần làm cụ thể, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng đầu tiên cần thiết kế những phòng thí nghiệm hay trung tâm chuyển đổi số, KTS đặt tại các trường ĐH hoặc các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) lớn. Trong đó, nhà nước sẽ bỏ tiền đầu tư hạ tầng số. Quan trọng hơn cả là quy tụ được những nhóm chuyên gia thuộc các lĩnh vực: Kỹ thuật số, thương mại điện tử, an ninh mạng, Fintech, ngân hàng, chính sách… Tiếp theo, cần hình thành những vườn ươm khởi nghiệp với vai trò ươm tạo những ý tưởng kinh doanh.
Hiện Khu Công nghệ phần mềm – ĐHQG TP HCM có vườn ươm với 50-70 DN được ươm tạo mỗi năm. Sau 2-3 năm, khoảng 5%-10% số này có khả năng “sống sót” nhưng chỉ có một DN có thể trở thành DN triệu đô. “Với xác suất rủi ro cao, các mô hình vườn ươm cần có sự hỗ trợ của nhà nước với vai trò bà đỡ chính sách để có thể phát triển” – TS Trương Minh Huy Vũ đề xuất. Đặc biệt, khi các vườn ươm khởi nghiệp phát triển thành các trung tâm khởi nghiệp, cần sự gắn kết với những “đại bàng” – DN lớn trong lĩnh vực số trong nước – như Viettel, VNPT, FPT… và các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ông Vũ cũng đề xuất nên xây dựng nhóm chuyên gia về KTS để tư vấn cho TP HCM.
Ở góc độ DN công nghệ thông tin, ông Mai Hải An, Phó Chủ tịch Liên minh DN Công nghiệp số Việt Nam, cho rằng việc tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và DN sẽ tạo ra nguồn nhân lực KTS dồi dào. “Vấn đề làm sao thúc đẩy mối liên kết này” – ông An đặt vấn đề và nói TP HCM cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ như xúc tiến thương mại, tiếp cận dự án công, hỗ trợ chính sách vay vốn… cũng cần được quan tâm để thúc đẩy DN chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Đức Nhân – Giám đốc Kỹ thuật hệ thống Công ty CP Viet Lotus, TP HCM – đề nghị cần nhanh chóng cụ thể hóa cơ chế thí điểm liên quan mô hình trung tâm tài chính quốc tế, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi như ngân hàng, công nghệ… “Cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo bên cạnh việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển. Trong đó, lưu ý các chính sách giúp DN kết nối hiệu quả hơn với giới chuyên gia để giải quyết vấn đề vướng mắc, qua đó hình thành sản phẩm, mô hình mới có tính đột phá nhanh nhất” – ông Nhân nêu quan điểm.
Kết luận tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM Trần Hoàng Ngân cho biết viện và Sở TT-TT sẽ tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện, báo báo UBND thành phố.
Xác định đóng góp của kinh tế số
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM Phạm Bình An cho hay theo tính toán, ước lượng tỉ trọng nền KTS trong quy mô GRDP của TP HCM năm 2021 vào khoảng 13,71%-15,72%. Để đạt các mục tiêu trước mắt là KTS đóng góp 15% GRDP thành phố năm 2022, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất phát triển TP HCM thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech hub); đề xuất các chính sách thử nghiệm về chuyển đổi số và hoàn thiện Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số – DXCenter.
“Lần đầu tiên thành phố xác định được chỉ số đóng góp của KTS vào GRDP của thành phố ở góc độ nghiên cứu khoa học. Đó là cơ sở quan trọng để TP HCM bắt đầu định hình những chính sách phát triển KTS” – Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM):
Cần chính sách kéo – đẩy
VECOM đang hỗ trợ rất nhiều DN ở TP HCM phát triển kinh doanh trên nền tảng số. Cụ thể, xây dựng một trung tâm số để phục vụ tư vấn, định hướng cho DN các nội dung về mô hình kinh doanh, bán hàng số, quản trị số…
VECOM cũng kết nối với những quỹ đầu tư trong nước, quốc tế để tận dụng nguồn lực cho DN; đồng thời, cung cấp cho DN một hệ sinh thái hơn 600 công ty công nghệ với nhiều dịch vụ, giúp DN xây dựng hạ tầng số, bán hàng số, quản trị số… Phối hợp xây dựng sàn thương mại điện tử Chợ Lớn online với sự tham gia của 2.000 tiểu thương. Qua các phiên chợ online, tiểu thương cảm nhận được hiệu quả và dần dần nghiêm túc đầu tư vào việc xây dựng công ty, thương hiệu, hướng đến xuất khẩu qua các sàn đa quốc gia như Amazon, Alibaba… Từ đây, có thể tạo cảm hứng cho các DN khác. Do đó, nhà nước, địa phương có chính sách giúp kéo – đẩy DN tham gia mạnh hơn vào KTS.
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TP HCM:
Thống nhất cao thì mới triển khai hiệu quả
Đóng góp chính vào KTS chính là lực lượng DN. Trong đó, DN số chỉ là một phần nhỏ, chiếm khoảng 2% tổng số DN toàn thành phố; phần lớn còn lại là các DN sản xuất, thương mại, dịch vụ. Do đó, việc động viên, kêu gọi và hỗ trợ hơn 250.000 DN trong mọi lĩnh vực chuyển đổi số để trở thành DN ứng dụng số mới là điều quan trọng nhất.
Khó khăn của DN trong tiến trình chuyển đổi số hiện nay là lãnh đạo cấp cao có chủ trương chuyển đổi số nhưng bên dưới không triển khai, dẫn đến vỡ trận. Nguyên nhân có thể bởi lợi ích nhóm hoặc bởi chuyển đổi số sẽ giúp mọi hoạt động trở nên minh bạch. Ứng dụng số vào DN đem lại hiệu quả quá rõ ràng, nhiều lãnh đạo DN ý thức rõ điều này nhưng trở ngại không nhỏ. Có DN khi chuyển đổi số đã chấp nhận mất 20%-30% nhân lực, song không phải DN nào cũng quyết đoán như vậy. Nhiều DN không nỡ “cắt chân, cắt tay” của chính mình. Chuyển đổi số không phải chỉ là bài toán công nghệ mà phải là cuộc chơi và DN phải thống nhất được từ trên xuống dưới thì mới làm được. Tuy vậy, chuyển đổi số là tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế và sẽ đến lúc DN buộc phải tìm được cách làm riêng cho mình.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)