Trang chủ Văn hóaVăn học Thương dân, dân thờ – Báo Người lao động

Thương dân, dân thờ – Báo Người lao động

bởi Linh

Đã rất lâu rồi tôi mới có dịp tham dự một lễ giỗ trang trọng, thành kính theo nghi thức cung đình mà không khí vẫn ấm cúng, gần gũi như trong một gia đình Nam Bộ. Năm nay, ngày 27-8-2022 (nhằm ngày 1 tháng 8 âm lịch) là tròn 190 năm ngày kỵ của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. Tại Lăng Ông Bà Chiểu (TP HCM), lễ giỗ Đức Thượng công được tổ chức đặc biệt theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn, các nghi thức được cử hành theo phong cách hoàng cung dành cho những vị khai quốc công thần.

Thương dân, dân thờ - Ảnh 1.

Lễ đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ Khai hạ – Cầu an, tổ chức tại Lăng Ông Bà Chiểu (TP HCM) vào ngày 25-8-2022. (Ảnh: B.T.C)

Một lễ giỗ nhiều ý nghĩa

Trong 3 ngày giỗ (tiên thường, chánh giỗ, hậu thường), Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt đón rất đông khách thập phương đến dâng hương, tham quan, đặc biệt là thưởng thức hát bội – loại hình nghệ thuật được Đức Tả quân rất yêu thích lúc sinh thời. Lễ phẩm cúng giỗ gồm trà, rượu, trầu cau, bánh Gia Định xưa cùng các vật phẩm trái cây Nam Bộ, các loại hoa quả được kết thành hình long – mã – phụng cùng các món ăn đặc trưng phương Nam.

Trong suốt 3 ngày giỗ, những người tham dự hầu như không có sự phân biệt địa vị, hoàn cảnh xã hội… Mọi người đến đây đều nghiêm trang mà không xa cách. Người tham gia các nghi lễ, người vô thắp hương, người viếng mộ, người xem hát bội hay xin xăm… đều vui vẻ, niềm nở với nhau. Tất cả diễn ra trong sự đồng cảm gắn bó thầm lặng, giống như đám cúng đình trong một làng xưa hay đám giỗ họ rất đông con cháu từ các nơi tụ tập về. Lăng Ông những ngày này thực sự là một không gian thiêng, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta: “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” – tưởng nhớ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, cũng là nhớ ơn các vị tiền hiền, hậu hiền đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Một lễ giỗ hết sức độc đáo, không chỉ là nghi lễ dành cho “công thần khai quốc” mà còn là lễ hội “thờ thần” đậm nét dân gian dành cho mọi người. Độc đáo vì trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, lòng dân vẫn nguyên vẹn tình nghĩa với vị tổng trấn đã có công rất lớn với Gia Định thành và Lục tỉnh Nam Kỳ; tài giỏi, cương trực mà số phận chịu nhiều oan khuất. Có thể có những lễ hội khác người nườm nượp đông hơn, vật cúng rực rỡ hoành tráng hơn, việc cầu xin thần thánh cũng đa dạng hơn, thực dụng hơn… nhưng với lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt thì vẫn tục xưa lề cũ, lời cầu khấn “quốc thái dân an” chưa bao giờ mất đi ý nghĩa và giá trị.

Sống mãi trong lòng dân

Mỗi vùng đất, mỗi thành phố đều có những truyền thống và đặc trưng riêng, hình thành từ điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử – xã hội. Truyền thống lịch sử và những đặc trưng về con người luôn là hành trang quan trọng nhất mà mỗi địa phương luôn mang theo trong quá trình phát triển. Truyền thống của một vùng đất, một cộng đồng là những gì được lắng đọng và lưu truyền qua quá trình lịch sử dài lâu, hình thành từ sự thích ứng với thiên nhiên và tính cách văn hóa của cộng đồng. Truyền thống mang tính bền vững, thường được bổ sung qua từng giai đoạn, trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai của cộng đồng, vùng đất đó.

Như truyền thống thờ cúng tổ tiên, ông bà được “hiện thực hóa” bằng đình làng, nhà thờ, lăng miếu xây dựng ở nơi phong thủy hài hòa, trong ngôi nhà thì vị trí trang trọng nhất dành cho bàn thờ ông bà. Ngày đám giỗ trong gia đình, ngày lễ Kỳ yên ở đình làng thờ cúng thần linh và những người có công khai hoang lập ấp… là ngày mà cả gia đình, cả làng xóm cùng cộng đồng trách nhiệm. Bởi vì tình cảm gia đình, quê hương là thiêng liêng nhất, là sợi dây gắn kết mọi người, gắn kết nhiều thế hệ. Từ những truyền thống hình thành nên đặc trưng cơ bản, tinh túy, bản sắc, mà nếu thiếu hay mất đi đặc trưng ấy thì khó có thể nhận diện một vùng đất, một cộng đồng. Có thể nói ngày giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt và những hoạt động lễ hội ở Lăng Ông cũng có ý nghĩa như vậy đối với dân cư Sài Gòn – Gia Định, TP HCM, rộng hơn là cả vùng Nam Bộ.

Thương dân, dân thờ - Ảnh 2.

Nghi lễ tiên thường, trong khuôn khổ lễ giỗ 190 năm ngày kỵ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, hôm 27-8-2022

Trong nhiều chuyến khảo sát, nghiên cứu ở Nam Bộ, nơi đâu chúng tôi cũng bắt gặp những di tích thờ cúng các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa thời Nguyễn; nơi đâu cũng gặp những tích truyện, ca dao, tục ngữ, hò vè về thời mở đất hơn 300 năm trước… Tâm thức dân gian của cư dân Nam Bộ thường “hồi cố lịch sử” đến thời chúa Nguyễn. “Hồi đó, ông bà mình theo chúa Nguyễn lưu lạc vô đây…”. Chúa nào, không ai biết cụ thể chỉ biết là chúa Nguyễn ở đâu tuốt ngoài xứ Huế, ngoài miền Trung. Có công đưa lưu dân vô tới Nam Bộ, đưa “ông bà” vô khai khẩn vùng đất này chính là nhờ các đời chúa Nguyễn… Xa lắc xa lơ hơn 300 năm nhưng người Nam Bộ vẫn coi nhau có chung một giọt máu đào nguồn gốc… Ông bà thường kể lại cho con cháu để nhớ về cội nguồn như vậy.

Huống chi đó là những người có công lao lớn đối với việc mở mang, xây dựng và bảo vệ vùng đất phía Nam và với người dân miền Nam, như Đức Tả quân Lê Văn Duyệt!

Có một câu nói mà càng ngẫm càng thấy chí lý: “Dân đã thờ ai thì không bao giờ lầm”. Một bài học rút ra từ lịch sử, để nhận biết những gì khuất lấp dưới bụi thời gian và cũng để thế hệ sau tự răn: Đừng tự cho mình quyền phán xét tình cảm của nhân dân, dù nhân dân có khi chỉ là một cộng đồng nhỏ về số người, hẹp về địa bàn sinh sống! Tài năng, công đức, sự chính trực của những con người đã “thuộc về lịch sử” – những giá trị mà nhân dân, cộng đồng thực sự coi trọng – sẽ tồn tại mãi mãi.

Chính quyền và nhân dân tôn kính

Lăng Ông Bà Chiểu là công trình văn hóa tâm linh lớn và quan trọng nhất Sài Gòn – Gia Định, TP HCM, vì đây không chỉ là đền thờ mà còn là nơi có phần mộ của Đức Thượng công và phu nhân, sau nhiều oan khuất đã được sửa sang, xây lại đàng hoàng, có miếu thờ giản dị luôn được mọi người thành kính viếng thăm. Một công trình tuy không bề thế nhưng cảnh quan kiến trúc hài hòa, không gian tâm linh uy nghiêm. Nhân dân đã tôn vinh gọi mộ và đền thờ của Lê Văn Duyệt là Lăng Ông với tất cả lòng thành kính. Có một thời cổng tam quan của Lăng Ông đã trở thành một biểu tượng văn hóa của thành phố. Ngày 6-12-1989, toàn bộ khu lăng được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Nhân dân miền Nam coi ông như một vị thần, hình tượng Đức Tả quân đã trở thành tín ngưỡng trong tâm thức của người dân. Và mới đây, ngày 25-8-2022, cũng tại Lăng Ông, đã tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – Lễ Khai hạ – Cầu an truyền thống (được tổ chức tại Lăng Đức Tả quân vào mùng 7 Tết âm lịch hằng năm) nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa và kỳ vọng một năm mới công việc thuận lợi, cuộc sống bình an.

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt được người dân Nam Bộ tôn kính, thờ cúng nghiêm cẩn, liên tục, lâu dài không chỉ vì những công lao của ông, mà còn vì ông là một vị đại thần chính trực, một nhân cách lớn của thời đại ông. Trong mọi giai đoạn lịch sử, Lăng Ông là một địa điểm tín ngưỡng, tâm linh quen thuộc và quan trọng của nhân dân vùng đất Sài Gòn – Gia Định, TP HCM từ xưa đến nay, biểu hiện cho lòng kính trọng của nhân dân miền Nam với Tả quân Lê Văn Duyệt. Mỗi năm, lễ giỗ Đức Thượng công là dịp cố kết tình cảm cộng đồng khi cùng hướng về cội nguồn, nhớ ơn tiền nhân qua những nghi lễ thờ cúng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt và các nhân vật lịch sử tại đây.

TP HCM, ngày 30-8-2022

Đoạn đường qua Lăng Ông mang tên Lê Văn Duyệt

Cách đây 2 năm, vào tháng 9-2020, nhân lễ giỗ lần thứ 188 của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, đoạn đường Đinh Tiên Hoàng – nơi Lăng Ông tọa lạc – đã được đổi lại, mang tên Lê Văn Duyệt. Việc làm này của chính quyền TP HCM đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân thành phố nói riêng và Nam Bộ nói chung.

(Còn tiếp)

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm