Trang chủ Công nghệKhoa học “Tiếng gầm gừ” ở hành tinh khác tiết lộ thứ giống hệt Trái Đất

“Tiếng gầm gừ” ở hành tinh khác tiết lộ thứ giống hệt Trái Đất

bởi Linh

Theo Science Alert, hành tinh thú vị nằm kề cận chúng ta – Sao Hỏa – vừa tự để lộ những dấu hiệu lạ cho thấy nó vẫn còn hoạt động địa chất theo cách chứa đựng những dòng magma nóng bỏng và núi lửa ngầm sôi sục bên dưới.

Tìm thấy hoạt động địa chất ở một thế giới khác là một “báu vật” bởi đó là một trong những điều kiện cần thiết để thế giới đó vẫn vận hành và tiến hóa, đồng thời góp phần giữ ổn định nhiều yếu tố cấu thành hành tinh để duy trì sự sống. Sao Hỏa lại là một trong những tâm điểm mà các sứ mệnh săn sự sống nhắm vào.

Tiếng gầm gừ ở hành tinh khác tiết lộ thứ giống hệt Trái Đất - Ảnh 1.

Khu vực Cerberus Fossae của Sao Hỏa – Ảnh: NASA

Nhóm nghiên cứu mới dẫn đầu bởi ETH Zurich – Thụy Sĩ đã nghiên cứu một khu vực thú vị mang tên Cerberus Fossae, được thu thập dữ liệu bởi tàu đổ bộ InSight của NASA.

InSight được trang bị các thiết bị dò địa chấn nhạy cảm và theo tuyên bố của NASA trước đó nó đã phát hiện bên trong Sao Hỏa vẫn đang “ầm ầm”, “gầm gừ”.

Theo nghiên cứu mới, tiếng gầm gừ rùng mình này – hoạt động địa chấn khá mạnh – là bằng chứng của một ngọn núi lửa ngầm vẫn đang sôi sục magma bên dưới bề mặt. Điều này có nghĩa bên trong lòng Sao Hỏa vẫn là một thế giới nóng bỏng, đang vận hành, đang sống y hệt Trái Đất chúng ta!

Điều này phá bỏ suy nghĩ lâu đời rằng ngoài Trái Đất ra thì các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời đã “chết”, ngừng hoạt động địa chất nên mới không nuôi dưỡng được sự sống.

Suy nghĩ rằng Sao Hỏa “chết” cũng bắt nguồn từ việc từ quyển của hành tinh này rất mong manh, trong khi chính hoạt động địa chất là thứ giúp duy trì từ trường của một hành tinh.

Nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ cũng nhận thấy sóng địa chấn sâu ở khu vực này chỉ ra một vùng nguồn ấm nóng cách bề mặt từ 30 km đến 50 km. Các dữ liệu cho thấy sự phù hợp với magma nóng chảy, tức hoạt động núi lửa đó vẫn có thể tồn tại trong hiện tại.

Những bằng chứng rõ ràng, dễ tiếp cận hơn cũng xác định dấu vết của một vụ phun trào chỉ mới diễn ra trong vòng 50.000 năm qua.

Phát hiện trên là vô giá. Thứ nhất, cho dù không chứng minh được Sao Hỏa luôn luôn vận hành, nhưng ít ra nó cho thấy hành tinh này vẫn có hoạt động sôi nổi từ bên trong trong khoảng thời gian gần, với cơ may lớn là tiếp diễn tới hiện tại – tức nó hoàn toàn có thể “sống lại” dù ngày xưa từng có giai đoạn im ắng trong lịch sử 4,5 tỉ năm.

Thứ hai, nếu có magma dưới đó, tức có cơ hội cho những hồ nước lỏng, trong lành tồn tại bên dưới bề mặt hành tinh.

Dấu hiệu của hồ nước lỏng ở Sao Hỏa nhiều lần xuất hiện, đem tới hy vọng về sự sống tiềm ẩn, nhưng cũng gây tranh cãi. Sao Hỏa rất lạnh, nên các hồ này một là phải được đun nóng, hai là nhiều muối tới nỗi không đóng băng được, nhưng đồng thời trở nên vô cùng khó sống. Nếu magma hiện diện, nó đủ sức nung nóng các hồ ngầm xung quanh và giải quyết mọi chuyện.

Các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu về khu vực này cũng như đề xuất nó nên là mục tiêu cho các sứ mệnh đổ bộ phù hợp trong tương lai.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm