Trang chủ Văn hóaVăn học Tiếng Việt giàu đẹp: “Báo” có nhiều nghĩa

Tiếng Việt giàu đẹp: “Báo” có nhiều nghĩa

bởi Linh

Ông Tín giải thích “Nhà báo”: (nb)Người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình; dẫn chứng văn liệu: “Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chớ có làm được gì đâu” (tr. 894).

Có thể trong khẩu ngữ, người ta dùng từ “nhà báo” để ám chỉ sự việc này, do đó, ông Tín xác định đây là nghĩa bóng, tức là “Nghĩa của từ ngữ chỉ cái trừu tượng trên cơ sở phát triển từ nghĩa cụ thể” – giải thích của “Đại từ điển tiếng Việt” (1999). Sở dĩ từ “nhà báo” xuất hiện trong ngữ cảnh này là do người sử dụng “ăn theo” từ “báo”.

Báo là gì?

Báo có nhiều nghĩa, thí dụ: 1. Gây phiền nhiễu người khác (báo cô, báo hại); 2. Đáp trả lại (báo ân, báo oán); 3. Cho hay biết, sai bảo, mách bảo (biểu); 4. Tờ báo thông tin sự kiện, tin tức định kỳ; 5. Tên gọi khác của con beo. Ngày xưa, ở Nam Bộ có từ “gia báo” hàm nghĩa “Làm hại, khuấy trong nhà. Tiếng nói đồ gia báo, thì tiếng mắng tôi, con làm hại trong nhà. Tiếng nói gia báo, gia hại cũng về một nghĩa” (Huình Tịnh Paulus Của). Có người căn cứ vào giải thích này của ông Huình Tịnh Paulus Của suy luận rằng cách nói “nhà báo” của người Nam Bộ mà ông Tín dẫn chứng trong văn liệu nêu trên là từ “gia báo” mà ra.

Điều này không đúng, vì ở báo trong từ nhà báo ở nghĩa 1 đã hoán đổi vào vị trí của nghĩa 4 – là một cách nói tếu táo, châm chọc, vận dụng sự đồng âm. Trong ngữ cảnh anh chàng thất nghiệp, ăn bám gia đình mà cha mẹ phải nuôi; hoặc phải nuôi bất kỳ ai mà mình không hề muốn gọi là nuôi báo cô. “Cô” có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa tội, lỗi. Ngày xưa có quy định nuôi báo cô: “Nuôi mà đền tội, ấy là tại mình làm cho người khác bị thương tích nặng, quan phạt phải nuôi hoặc phải chịu tiền cơm, thuốc cho đến khi lành mạnh”, theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1989).

Qua văn liệu của ông Huỳnh Công Tín, lại có người cho rằng trường hợp này là “Từ điển Từ ngữ Nam Bộ”; từ điển thu thập hiện tượng ngôn ngữ, chứ không phải lời nói. Chúng tôi không nghĩ thế, chẳng phải hiện tượng gì cả, chỉ là cách sử dụng quen thuộc của người Việt trong sự đồng âm. Thí dụ, ta có cách nói: “Ra trường rồi ở nhà làm thợ đụng chớ có làm được gì đâu”. Đụng nghĩa là hai vật chạm/đụng chạm/va chạm vào nhau. Thợ đụng ở đây lại được hiểu theo nghĩa hễ đụng việc gì thì làm việc nấy, không có công việc ổn định… Thế thì tại sao lại cho rằng “không phải lời nói”?

Theo chúng tôi, ông Tín định nghĩa không sai, chỉ đáng tiếc là không đủ, còn thiếu sót; bởi vì người Nam Bộ còn hiểu “nhà báo” là “Người hoạt động trong ngành báo chí” – “Phương ngữ Nam Bộ” (NXB Hội Nhà văn – 2015 của Bùi Thanh Kiên, tr.1056). Do ông Tín định nghĩa thiếu vế quan trọng này nên mới dẫn đến sự tranh luận như thế.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm