Tỉ lệ cai thuốc lá thành công thấp
Thực tế, nhiều người hút thuốc lá rất khó cai, nhiều người đã tái hút sau thời gian ngắn cai thuốc. Nhiều bệnh nhân dù được chẩn đoán đang ở giai đoạn nặng và bác sĩ khuyên cai thuốc lá, nhưng nhiều người trong số họ thú nhận sau mỗi lần tái khám là vẫn hút thuốc lá với số lượng ít hơn để đỡ cơn “thèm”.
Theo thống kê, hiện có 90% bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) liên quan đến hút thuốc lá. Khi tiếp xúc với bệnh nhân, bên cạnh việc chẩn đoán, điều trị, đánh giá bệnh, các bác sĩ luôn khuyên tất cả bệnh nhân hô hấp, tim mạch, tiểu đường cai, bỏ thuốc lá. Đặc biệt, đối với những người mắc bệnh ở giai đoạn đầu, việc tốt hơn rất nhiều lần so với dùng thuốc chữa trị và cũng là điều kiện tiên quyết giúp cải thiện tình trạng bệnh. Với những bệnh nhân có tổn thương phổi, tiền ung thư, việc bỏ thuốc cũng cực kỳ quan trọng.
Khi nhắc đến cai thuốc lá, nhiều bệnh nhân trả lời rằng họ không thể bỏ được, mặc dù từng đến các trung tâm cai nghiện chuyên nghiệp nhưng sau một thời gian họ hút lại, chỉ vì nghe mùi thuốc lá. Có những người dù đã thử dùng nicotin nhai, dán… vẫn không cai được. Mặt khác, việc hút, rít, sờ, cầm, nắm, gẩy điếu thuốc cũng là dạng hành vi gây nghiện. Điều đó giải thích vì sao việc cai thuốc lá thành công trên thế giới rất thấp, mà tỉ lệ hút thuốc ở Việt Nam thì lại cao hơn nhiều so các nước khác.
Vấn đề đặt ra ở đây là cần xác định, để tăng tỉ lệ cai thuốc thành công cần một chiến lược lâu dài, giáo dục ý thức không chỉ trong cộng đồng mà còn những thế hệ trẻ nhằm giúp thay đổi nhận thức và sự hợp tác của người hút thuốc, cũng như ngăn chặn tình trạng hút mới ở giới trẻ. Mặt khác, đối với những người chưa thể cai thuốc, cần có một giải pháp bổ trợ nhằm giảm tác hại hơn là để mặc cho họ tiếp tục hút thuốc lá như hiện tại. Thực hiện được hai biện pháp này song song sẽ tăng tỉ lệ cai thuốc thành công đồng thời giúp giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong cho những người vẫn muốn tiếp tục hút thuốc.
Tìm giải pháp nhân văn hơn
Đầu tiên, cần phòng ngừa việc giới trẻ hút thuốc, cần giáo dục, đưa việc phòng chống thuốc lá vào trong trường học, kể cả nhà trẻ. Ở lứa tuổi mẫu giáo, các em có ý thức rất cao, ghi nhớ lời thầy cô nói và cũng có ảnh hưởng lớn với ba mẹ, khi về nhà, các em có thể khuyên các thành viên gia đình bỏ thuốc lá. Việc ngăn chặn những người mới hút thuốc lá chiếm 50% thành công trong chiến lược này. Trong tương lai, khi những em bé này 17-18 tuổi, các em đã ý thức được mối nguy hiểm và sẽ tránh được việc hút thuốc.
Chiến lược thứ 2 là tuyên truyền cho những người hút thuốc. Đây là chiến dịch phòng chống tác hại của thuốc lá mà Bộ Y tế đã đang làm trong nhiều năm. Hút thụ động rất nguy hiểm với phụ nữ, trẻ em vì phổi của những người này rất nhạy cảm với thuốc lá. Khi hút thụ động, các chất gây ung thư không đi qua đầu lọc nên nồng độ cao hơn so với hút thuốc chủ động. Hiện nay, việc cấm hút thuốc trong trường học, bệnh viện, một số hệ thống nhà hàng, quán cafe, các bến xe… đang được đánh giá cao.
Đối với những người chưa cai bỏ được thuốc lá, cần cho họ một lựa chọn khác có tính nhân văn hơn dựa trên nguyện vọng bản thân. Cân đối giữa lợi ích lớn hơn nguy cơ thì đây là vấn đề cần được cân nhắc. Vì khi người hút thuốc đã không hợp tác, không kiên trì bỏ thuốc thì chắc chắn họ sẽ lại hút thuốc, bất kể tình trạng sức khỏe hay lời khuyên của gia đình.
Họ có thể lựa chọn hút ít hơn số lượng trước đó và cho rằng như vậy chính là giảm tác hại. Tuy nhiên, dù hút số lượng ít nhưng vì phải “nhịn” hơn so với bình thường nên người hút sẽ có xu hướng rít mạnh hơn và nhiều lần hơn. Như vậy thì hàm lượng các chất gây hại mà họ hít vào cũng không có gì thay đổi. Các nghiên cứu đã cho thấy trong thuốc lá có hai nhóm thành phần khác nhau: nhóm gây nghiện và nhóm gây độc. Nicotin gây nghiện nhưng lại không phải là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý liên quan đến hút thuốc lá. Khi người hút thuốc đốt điếu thuốc lá thì họ hít vào hơn 6.000 chất khác nhau, và các chất sinh ra từ quá trình đốt cháy này mới là nguyên nhân gây bệnh lên cơ thể.
Trong tình thế đó, cần cung cấp cho họ những sản phẩm thuốc lá không khói có chứa nicotin như điều chúng ta đã làm đối với việc cung cấp các miếng dán nicotin, kẹo ngậm nicotin… để giúp họ thỏa mãn lượng nicotin cần thiết nhưng không cần phải hít hoàn toàn các chất độc hại như là hút thuốc lá điếu. Xuất phát từ cơ sở này, hiện có những giải pháp loại bỏ được phần lớn hàm lượng các chất gây hại vào phổi gây bệnh.
Cụ thể, thông qua việc áp dụng hệ thống làm nóng thay vì đốt cháy thuốc lá thông thường, những sản phẩm công nghệ này sẽ chỉ giải phóng lượng nicotin, đồng thời do không đốt cháy nên loại bỏ bớt phần lớn hàm lượng các chất gây hại. Các tổ chức y tế quốc tế cũng đã công nhận sự tồn tại của hệ thống làm nóng này và được áp dụng vào một số sản phẩm thuốc lá công nghệ hiện nay; hơn 184 quốc gia cho phép như là biện pháp giảm tác hại của thuốc lá, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Canada, Hàn Quốc,…
Các giải pháp giảm tác hại mặc dù không hoàn toàn vô hại, nhưng nếu so với tiếp tục hút thuốc lá điếu, khi người hút thuốc chuyển đổi sang sử dụng những sản phẩm này là họ đã loại bỏ được phần lớn các chất gây hại lên cơ thể.
Đã đến lúc chúng ta cần cân nhắc những phương pháp tiếp cận mới, được chứng minh bởi khoa học và dữ liệu đáng tin cậy. Đối với các sản phẩm đã có các bằng chứng khoa học công nhận tác động tích cực của các sản phẩm đó, chúng ta cần công tâm xem xét và đánh giá một cách khách quan với mục tiêu cuối cùng vẫn là vì lợi ích sức khỏe lớn hơn cho bệnh nhân và cộng đồng nói chung.
PGS.TS.BS. TRẦN VĂN NGỌC – Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP HCM
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)