Trang chủ Kinh doanhTài chính Tín dụng tăng ngay đầu năm | Tài Chính

Tín dụng tăng ngay đầu năm | Tài Chính

bởi Linh


Cầu vốn trở lại sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát đẩy dư nợ tín dụng tăng trong những tháng đầu năm và kỳ vọng cả năm 2022 tăng 14%. Tổng giám đốc OCB cho hay, tín dụng tăng trở lại trong quý cuối cùng của năm 2021 khi cầu vốn tăng, sức khỏe doanh nghiệp dần hồi phục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cầu vốn trở lại

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm 2021 (tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước và cao hơn nhiều mức tăng 0,53% của tháng 1/2021). Dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm cho thấy dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch khá tích cực.

Tính theo con số tăng trưởng dư nợ gần cuối tháng 1, lượng tín dụng được bơm ra trong tháng 1 đạt gần 286.000 tỷ đồng, mức tăng theo tháng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trước đó, tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh trong quý IV/2021. Ông Đào Minh Tú cho hay, trong năm 2022, NHNN dự kiến mở rộng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên khoảng 14% và có thể linh hoạt theo định hướng điều hành.

Tín dụng tăng ngay đầu năm - Ảnh 1.

Cầu tín dụng tăng trở lại. Ảnh minh họa.

Việc phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sẽ được thực hiện theo các công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và các phương án điều hành khác. Tăng trưởng tín dụng sẽ linh hoạt hơn để hỗ trợ nền kinh tế, cùng với gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng ưu tiên vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực phục hồi kinh tế.

Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng tháng 12/2021 của NHNN, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức dự báo 14,3% tại kỳ điều tra trước.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, tín dụng tăng trở lại trong quý cuối cùng của năm 2021 khi cầu vốn tăng, sức khỏe doanh nghiệp dần hồi phục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tình hình đầu tư đang rất cao, Chính phủ cũng có kế hoạch đưa ra các gói kích cầu tăng trưởng trong năm nay, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc của các dự án… Điều này sẽ thúc đẩy tín dụng năm 2022, khả năng tín dụng quý I tăng trưởng dương.

Lãi vay khó tăng

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang được ngân hàng điều chỉnh dần và dự báo tiếp tục tăng trong năm nay, khi nhu cầu về tín dụng của khách hàng hồi phục sau thời gian dài giãn cách, dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, lãi suất cho vay, theo các nhận định, có khả năng chưa thể tái tăng, trừ các khoản vay nhỏ, lẻ.

Lãi suất được các tổ chức tín dụng dự báo là giữ ổn định trong quý I và có thể tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2022. Theo ông Lê Văn Bé Mười, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt, Ngân hàng vẫn tiếp tục các chương trình ưu đãi để hỗ trợ khách hàng phục hồi sau Covid-19, đáp ứng cầu vốn khách hàng tăng.

Tổng giám đốc OCB cho rằng, lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN tiếp tục giảm năm 2022, dù lãi tiết kiệm tăng. Ngân hàng luôn đặt an toàn lên hàng đầu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, nên sẽ khó đẩy lãi vay tăng, dù chi phí đầu vào tăng trở lại.

Liên quan đến việc giảm lãi suất, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hệ thống ngân hàng đã có 3 lần giảm lãi suất. Mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 0,8 điểm % trong năm 2021 và 1 điểm % trong năm 2020. Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, năm 2022, dư địa chính sách tiền tệ trong gói hỗ trợ ít hơn chính sách tài khóa, dù vậy hệ thống sẽ phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5-1% trong 2 năm tới đây.

NHNN cho biết, năm 2022, điều hành chính sách tiền tệ sẽ chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác hỗ trợ phục hồi kinh tế, đồng thời chú trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, NHNN khuyến khích tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, kiểm soát chặt chẽ cho vay ngoại tệ, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm