Chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu đà giảm điểm ở các thị trường châu Á – Thái Bình Dương ngày 11-4. Một phần nguyên nhân do các dữ liệu lạm phát của Trung Quốc trong tháng 3 đều cao hơn dự báo, trong đó chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lần lượt thêm 8,3% và 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu chính thức được công bố hôm 11-4 này làm giá chốt phiên của cả 3 chỉ số chính của Trung Quốc đồng loạt giảm điểm, bao gồm CSI 300 (giảm 3,09%), Shanghai composite (giảm 2,61%) và Shenzhen component (giảm 3,671%).
Chung tình trạng là các chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (giảm 3,03%), Nikkei 225 của Nhật Bản (0,61%), Kospi của Hàn Quốc (giảm 0,27%), MSCI (của châu Á – Thái Bình Dương trừ Nhật Bản, giảm 1,55%)…
“Tôi nghĩ vấn đề đáng chú ý hơn nằm ở khoảng cách lớn giữa CPI và PPI, qua đó cho thấy hầu hết công ty của Trung Quốc đang mất đi lợi thế về giá” – ông Ramiz Chelat, giám đốc tại Công ty Quản lý tài sản Vontobel, trao đổi với đài CNBC.
Nông dân làng Yakovlivka, ngoại ô TP Kharkiv, bốc dỡ phân bón hôm 5-4. Họ đang bám trụ để chờ thu hoạch lúa mì Ảnh: REUTERS
Trung Quốc vẫn kiên trì chiến lược “Không Covid-19” để đối phó làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch (năm 2020) đang diễn ra. Thượng Hải bắt đầu nới lỏng phong tỏa một số khu vực dù số ca mắc Covid-19 mới ngày 10-4 lại lập kỷ lục là 26.087 ca, với 914 ca có triệu chứng.
Tuy chưa phong tỏa hoàn toàn song Quảng Châu, trung tâm sản xuất kiêm siêu đô thị 18 triệu dân ở miền Nam Trung Quốc, cũng gần như cấm người ra vào. Theo AP, cả Quảng Châu chỉ có 27 ca mới hôm 11-4.
Tình hình phong tỏa tại Trung Quốc cộng với việc các nước thành viên Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), bao gồm Mỹ, xả dầu từ kho dự trữ khiến giá dầu tiếp tục đi xuống. Trong ngày 11-4, giá dầu Brent giao sau có lúc còn 100,95 USD/thùng và giá dầu WTI giao sau còn 96,37 USD/thùng, theo Reuters.
Thị trường toàn cầu sẽ còn nhiều xáo trộn trong tuần này, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục bàn việc tăng lãi suất và nước này công bố CPI và PPI của tháng 3 trong ngày 12 và 13-4.
Tuần này cũng bắt đầu mùa báo cáo doanh thu, bao gồm các đại gia ngành ngân hàng Mỹ JPMorgan, Goldman Sachs, Wells Fargo, Citi và Morgan Stanley, theo CNBC.
Riêng tại châu Âu, các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống Pháp (24-4) giữa 2 đối thủ là đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và thủ lĩnh cực hữu Marine Le Pen. Trong trường hợp bà Le Pen chiến thắng, giới quan sát cho rằng sẽ xảy ra địa chấn cho các thị trường không khác gì việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) hồi năm 2016.
Hẳn nhiên không thể bỏ qua tình hình chiến sự tại Ukraine, nhất là sau dự báo ảm đạm của Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 10-4.
Báo The Guardian dẫn báo cáo này cho biết với việc bị khóa chặt các cảng trên biển Đen ở miền Nam và thiệt hại của các ngành công nghiệp ở miền Đông, GDP của Ukraine sẽ lao dốc tới 45% trong năm nay. Con số này ở Nga là 11,2% và WB dự báo Nga sẽ rơi vào suy thoái.
Không dừng lại ở đó, một loạt nước lân cận Nga và Ukraine cũng bị thiệt hại kinh tế nặng nề, nhất là ở Đông Âu và Trung Á như các nước Balkan, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước thuộc Liên Xô cũ. Đặc biệt, các nước Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan đang đề nghị WB và Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) cho vay nhiều hơn.
Thậm chí, trong kịch bản thảm khốc hơn, GDP của Nga sẽ giảm 20%, GDP của Ukraine giảm tới 75%, còn kinh tế toàn khu vực đồng euro giảm thêm 3 điểm % trong năm 2022.
Để cứu vãn tình hình, trong tuần này sẽ diễn ra hàng loạt cuộc họp, bao gồm cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 14-4 và hội nghị mùa xuân hằng năm do WB và IMF chủ trì, với sự tham gia của các bộ trưởng tài chính và người đứng đầu các ngân hàng trung ương.
Bốn giải pháp cho ASEAN
Với 59% trong tổng số 400 triệu dân của khu vực đã được tiêm phòng đầy đủ, nhiều nền kinh tế Đông Nam Á đang trên đà mở cửa trở lại sau 2 năm đại dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á năm nay dự kiến đạt 5,1%, tăng so với mức 3,2% của năm ngoái.
Theo báo Bangkok Post, bên cạnh các lệnh phong tỏa tại Trung Quốc, trở ngại hàng đầu với ASEAN là xung đột Nga – Ukraine và kèm theo đó là các lệnh trừng phạt, dẫn đến gián đoạn nguồn cung trong khi các quốc gia châu Á có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu rất lớn.
Để đối phó các thách thức trên, giới chuyên gia cho rằng cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất, xanh hóa Đông Nam Á. “Chúng ta cần hợp tác giải quyết những gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và duy trì một hệ thống thương mại mở, ổn định và dựa trên quy tắc” – tờ Bangkok Post dẫn lời bà Indranee Thurai Rajah, Bộ trưởng Thứ hai về Phát triển quốc gia và tài chính Singapore. Theo bà, việc tích hợp các giải pháp xanh sẽ giúp cải thiện năng suất và giải quyết các rủi ro khí hậu.
Thứ hai, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới mà nổi bật là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm 10 nước ASEAN cộng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và New Zealand. Là FTA lớn nhất thế giới, RCEP chiếm 30% GDP toàn cầu, được dự báo sẽ bổ sung 263 tỉ USD vào tổng thu nhập thế giới và 2,6 triệu việc làm mới. Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ được hưởng lợi lớn về việc làm.
Thứ ba, cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi số để thay đổi phương thức vận hành và thứ tư là phục hồi ngành du lịch vốn bị tổn thương nghiêm trọng do đại dịch.
Anh Thư
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)