Tiến sĩ Dan Werthimer, nhà nghiên cứu từ Viện SETI và tại Đại học California ở Berkerley – Mỹ, cũng là đồng tác giả của dự án nghiên cứu đầu tiên về tín hiệu được cho là phát từ Kepler-438 – hành tinh giống Trái Đất nhất, thuộc chòm sao Thiên Cầm – vừa có cuộc trao đổi với Live Science.
“Sky Eye” của Trung Quốc, siêu kính thiên văn đã phát hiện ra tín hiệu vô tuyến lạ – Ảnh: TÂN HOA XÃ
Ông khẳng định tín hiệu vô tuyến băng tần hẹp mà các nhà Trung Quốc công bố trong những phát biểu đầy hy vọng về một nền văn minh ngoài hành tinh, thực sự đã rơi vào xác suất “nhiễu sóng từ thiết bị của con người” mà nhóm Trung Quốc đề cập sơ qua trong các phát ngôn.
Tiến sĩ Werthimer không tỏ ra hoài nghi, mà khẳng định với Live Science rằng đó là nhiễu sóng.
Ông cho biết các nguồn tự nhiên thường không tạo ra tín hiệu vô tuyến băng tần hẹp. Các nhà khoa học đã thu được ba trong số những tín hiệu này, dường như từ không gian, vào năm 2019 và 2022 bằng cách sử dụng kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất trên thế giới – Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500 m (FAST), có biệt danh là “Sky Eye”, đang thực hiện khảo sát sơ bộ các ngoại hành tinh để chuẩn bị cho cuộc khảo sát bầu trời kéo dài 5 năm sắp tới.
Tin tức về các tín hiệu có thể có nguồn gốc ngoài hành tinh lần đầu tiên xuất hiện trong một báo cáo được công bố hôm 14-6 trên tờ báo chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, trong đó có tuyên bố rằng nhóm đã phát hiện ra “một số trường hợp có thể là các dấu vết công nghệ từ các nền văn minh ngoài Trái Đất”.
Tuyên bố nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc và nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc trước khi được báo chí quốc tế và Live Science đưa tin.
“Vấn đề lớn và vấn đề trong trường hợp cụ thể này là chúng tôi đang tìm kiếm tín hiệu từ người ngoài Trái Đất, nhưng những gì chúng tôi tìm thấy là một triệu tín hiệu từ người trên mặt đất. Chúng là tín hiệu rất yếu, nhưng thiết bị trên kính thiên văn này siêu nhạy và có thể thu tín hiệu từ điện thoại di động, truyền hình, radar và vệ tinh. Và ngày càng có nhiều vệ tinh trên bầu trời” – ông giải thích.
Nhà khoa học SETI bình luận thêm: “Nếu bạn khá mới mẻ trong trò chơi và bạn không biết tất cả những cách khác nhau mà những tín hiệu nhiễu này có thể xâm nhập vào dữ liệu và làm hỏng dữ liệu của bạn, khá dễ dàng để trở nên phấn khích.”
Một số cộng sự Trung Quốc của ông Werthimer cũng bày tỏ sự thận trọng. “Đây là một số tín hiệu điện từ dải hẹp khác với trước đây và nhóm hiện đang nghiên cứu thêm”, Zhang Tongjie, nhà khoa học đứng đầu Nhóm Nghiên cứu Văn minh Ngoài Trái đất Trung Quốc tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho biết trong báo cáo.
Theo ông Tongjie, khả năng tín hiệu đáng ngờ là một loại nhiễu sóng vô tuyến nào đó cũng rất cao, nó cần được xác nhận thêm và loại trừ.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)