Sự kiện này góp phần hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Quảng Nam – địa điểm du lịch xanh”.
Qua món ăn đặc trưng, tiêu biểu đã tồn tại lâu đời ở bất kỳ vùng đất nào, chúng ta có thể nhìn thấy tính cách, văn hóa của con người nơi đó. Với người Quảng Nam, chỉ có thể là món mì Quảng.
Ngày hội mì Quảng lần 1 diễn ra từ ngày 5 đến 7-8 tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam .Ảnh: COCO MÌ
Một điều thú vị là khi nói đến món ăn dân dã, quen thuộc này, lập tức… tính cách “Quảng Nam hay cãi” lại trỗi lên một cách… quyết liệt. Ai cũng cho rằng mì Quảng phải nấu như thế này, “phụ tùng” kèm theo phải như thế kia… thì mới “đúng điệu”, “chính hiệu con nai vàng”. Chín người mười ý – do đó, đã dẫn đến những cuộc tranh luận bất phân thắng bại!
Nói như nhà thơ Huỳnh Trương Phát – hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam:
Mùi của “đó” của “nơm”
Có tiếng quẫy đạp con tơm con tràu
Mì Quảng đi khắp năm châu
Mang theo nhưn nhị ngọt ngào Quảng Nôm.
Nói gì thì nói, dù món mì Quảng có “dị biệt” cỡ nào thì cũng có nhiều điểm “tương đồng”. Quan sát từ thực tế của 20 gian hàng mì Quảng do chính người dân làng Phú Chiêm thực hiện tại ngày hội này, chúng ta có thể thấy rằng:
Sẽ không là tô mì Quảng, nếu khi ăn tô mì Quảng đó chúng ta không cảm nhận được hương vị dầu phộng thơm thoang thoảng qua từng sợi mì. Hương vị đó nói lên điều gì về tính cách người Quảng? Tôi nghĩ đó chính là nét “duyên ngầm” của người phụ nữ xứ Quảng. Dù không “sắc nước hương trời”, “chim sa cá lặn” nhưng một khi đã quen biết họ, ta cảm nhận được sự dịu dàng, thật thà… tựa như hương vị của dầu phộng, lẩn khuất đâu đó trong từng tô mì Quảng.
Sẽ không là tô mì Quảng, nếu tô mì Quảng đó thiếu đi cái bánh tráng. Mà bánh tráng ấy phải dày, lấm tấm mè đen và khi bóp vỡ, ngay lập tức ta sẽ nghe vọng lên âm thanh rôm rả. Âm thanh đó nói lên điều gì? Xin thưa chính là tính cách ồn ào, nhiệt tâm, bộc trực, thẳng thắn của người đàn ông xứ Quảng.
Dù đã có hương vị dầu phộng, đã có bánh tráng nhưng cũng không là tô mì Quảng, nếu thiếu trái ớt sừng trâu! Một loại ớt to trái, chỉ cay vừa phải, đưa vào miệng rồi cắn nghe cái “rốp” thì khoan khoái hết sức.
Tất nhiên, không chỉ có thế, còn phải kể đến “phụ tùng” kèm theo nữa. Chẳng hạn ở Phú Chiêm, sau khi quan sát các gian hàng, tôi nhận thấy các mẹ, các chị, chỉ cho thêm thịt heo ba chỉ, tôm đã rim đậm đà, đậu phộng giã nhỏ, kèm theo rau xanh các loại. Trong khi đó, ở nhiều nơi khác, hiện nay có thể biến tấu là thịt gà, thịt ếch… rõ ràng không có sự nhất quán. Điều này nói như nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân, đó chính là “tính cách dân chủ” của người Quảng đã thể hiện qua tô mì Quảng: Ai cũng có thể nấu một tô mì Quảng theo “gu” của mình – chứ không là một sự “áp đặt” nào cả.
Còn có nhiều ý kiến khác nhau nữa, về tô mì Quảng, tôi không dám bàn sâu. Chỉ xin đặt một câu hỏi: Vì sao khi về Quảng Nam, với các gánh mì Quảng bán rong trên đường quê, ta luôn thấy ở bếp lò, luôn có khói thoang thoảng dịu nhẹ, một mùi thơm dễ chịu, quyến rũ theo bước chân của người gánh mì Quảng, khiến ta phải thưởng thức một tô cho “đã thèm”.
Vậy bí quyết ở đâu? Một nghệ nhân đã từng nấu mì Quảng hơn 50 năm nay, bán rong tại làng Phú Chiêm, đã cười mà rằng: “Lấy vài củ hành hương đập dập, đặt trên vỉ và cho vào bếp lò”. Đơn giản thế ư? Đấy! Chỉ một chi tiết nhỏ, dù nhỏ nhưng đã góp phần tạo nên bản sắc của cái bếp nấu mì Quảng đó thôi.
Với tôi, còn thêm một phần thú vị khác nữa là tại ngày hội mì Quảng lần 1, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã trực tiếp châm lửa vào bếp lò như “thay lời muốn nói”: Hãy tiếp tục giữ mãi ngọn lửa nấu mì Quảng trong mỗi bếp nhà…
Một số hình ảnh tại ngày hội mì Quảng lần 1 vừa diễn ra tại Quảng Nam:
Ngày hội mì Quảng lần 1 tổ chức ở mảnh đất Phú Chiêm
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói chuyện với nghệ nhân nấu mì Quảng
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)