Ngày 29-9, nhiều bệnh viện tại TP HCM cho hay vừa tổ chức nhiều hoạt động hướng đến sự an toàn, hài lòng cho người bệnh. Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức chương trình hưởng ứng ngày an toàn người bệnh thế giới và cập nhật kiến thức an toàn cho người bệnh với hơn 200 y bác sĩ, điều dưỡng tham gia.
Đây là một trong những chương trình nhằm tăng cường nhận thức và cập nhật một số kiến thức về an toàn người bệnh cho cán bộ, nhân viên y tế, phòng ngừa một số sự cố y khoa không mong muốn xảy ra.
PGS-TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết vấn đề an toàn người bệnh là vấn đề “nóng” tại các bệnh viện, cơ sở y tế, được xã hội quan tâm, theo dõi. Khi sự cố y khoa xảy ra, không chỉ bệnh nhân và gia đình bệnh nhân bị ảnh hưởng mà còn có các nhân viên y tế liên quan trực tiếp đến sự cố.
Hoạt động cam kết “Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại” tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Năm nay, với chủ đề “Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại” kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhân viên y tế về an toàn người bệnh, phòng ngừa các sự cố y khoa liên quan đến thuốc nói riêng và các sự cố y khoa nói chung, thông qua thực hành chuyên môn an toàn. Ban giám đốc bệnh viện cùng đại điện các khoa, phòng cam kết với tiêu chí hoạt động này.
Còn tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức triển khai tập huấn giao tiếp ứng xử năm 2022. BSCK2 Nguyễn Thị Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, cho biết người bệnh và người nhà khi vào bệnh viện luôn mang tâm trạng lo lắng, đau đớn, thậm chí là chán nản, đòi hỏi nhân viên y tế ngoài việc phải có trình độ chuyên môn còn cần phải có kỹ năng, nghệ thuật giao tiếp ứng xử.
Đây là kỹ năng cần thiết gần như bắt buộc của nhân viên y tế để tạo sự đồng cảm, chia sẻ giúp thân nhân và người bệnh yên tâm, hợp tác điều trị. Ngoài sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, áp dụng các máy móc và trang thiết bị hiện đại trong chẩn đoán, điều trị thì khâu giao tiếp trong bệnh viện là yếu tố quan trọng góp phần quyết định sự thành công trong việc chữa bệnh cho người bệnh, để người bệnh cảm thấy hài lòng và muốn quay trở lại bệnh viện khi chẳng may bị đau ốm.
Lớp tập huấn giao tiếp ứng xử được chia làm nhiều buổi để đảm bảo thời gian phù hợp dành cho các đối tượng học viên là bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên chăm sóc, hướng dẫn người bệnh, bảo vệ… đang làm việc tại bệnh viện.
“Chương trình mong muốn sẽ góp phần thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của nhân viên y tế; rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử, nâng cao tinh thần phục vụ và củng cố niềm tin hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đồng thời, tạo điều kiện tốt, thuận lợi để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của nhân viên y tế bệnh viện nói riêng và của ngành y tế nói chung”, BS Ngọc nhấn mạnh.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)