Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, chia sẻ thông tin trên tại cuộc họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP vào chiều 4-4.
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cung cấp thông tin tại buổi họp báo chiều 4-4
Liên quan đến vấn đề thu phí cảng biển vừa được triển khai, ông An cho biết sau 4 ngày đầu thu phí, TP đã thu về gần 12 tỉ đồng trong khi tổng số tiền phải thu là 26 tỉ 277 triệu đồng. Số còn lại chắc chắn khi nào hàng di chuyển, doanh nghiệp sẽ nộp phí.
Ngày 4-4, tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên hệ thống là 6.780, tổng số lượng tờ khai ký là 16.582. Tổng số biên lai đã phát hành là 9.579 biên lai.
Theo ông An, doanh nghiệp có thể nộp tiền ngay khi mở tờ khai hải quan hoặc nộp chậm khi hàng hoá bắt đầu di chuyển về các kho, do đó số tiền đã kê khai sẽ thu được trong thời gian khác nhau.
“Đến giờ này, có thể đánh giá là hệ thống thu phí hoạt động ổn định, thông suốt, đảm bảo cho các doanh nghiệp tham gia vận hành chính thức” – ông An nói.
Trước đó, theo Nghị quyết 10 đã được HĐND TP HCM ban hành, từ 0 giờ ngày 1-4, TP chính thức triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển trên địa bàn TP.
Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến bảng giá hàng hóa vừa được cập nhật, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết trên cơ sở bảng giá mới các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 đã được công bố, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức kiểm tra trong công tác quản lý điều hành bình ổn thị trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM, chia sẻ thông tin tại buổi họp báo chiều 4-4
Theo bà Ngọc, công tác kiểm tra này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, sở đề nghị Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra quản lý thị trường, theo dõi sát diễn biến của các mặt hàng thiết yếu, trong đó chú trọng đến xăng dầu, thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng tình hình biến động thị trường găm hàng, trục lợi bất chính.
Ngoài ra, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ hệ thống phân phối trên địa bàn TP đưa ra các chương trình, vận động các hệ thống có chương trình chiết khấu nhằm giảm giá cả hàng hóa, giảm áp lực hàng hóa tăng lên do tình hình biến động như đã thấy từ đầu năm.
Đối với các chợ, các chợ truyền thống An Đông, Bến Thành đìu hiu vắng khách, theo bà Ngọc từ khi phục hồi hồi kinh tế, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đã vận động đưa các chợ truyền thống sau giai đoạn ngưng do dịch bệnh đi vào hoạt động. Đến nay, khoảng 92% các chợ đi vào hoạt động, còn lại một số chợ do dịch bệnh và xuống cấp tạm ngưng để sửa chữa, nâng cấp. Ngoài ra, một số chợ vắng khách do thời gian dịch bệnh một số tiểu thương chuyển dịch từ buôn bán trực tiếp qua trực tuyến và đến nay vẫn duy trì hình thức này.
Để phát triển các chợ truyền thống, bà Ngọc cho biết Sở Công Thương đã định hướng các chợ xây dựng những phương thức phù hợp với tình hình mới.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)