Với hơn 950km chiều dài sông, kênh, rạch, nếu khai thác tốt TP HCM có thêm nguồn thu không nhỏ từ giao thông thủy. Trong đó, ngoài nguồn thu từ khai thác khách du lịch trên các tuyến đường thủy thì nguồn thu từ việc cho thuê đất để các doanh nghiệp khai thác dịch vụ nhà hàng, mở gian hàng mua sắm trên các bến bãi ven bờ sông, kênh, rạch cũng không nhỏ.
Thông tin trên được nhiều doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị chuyên đề về phát triển Vận tải hành khách kết hợp du lịch bằng đường thủy trên địa bàn thành phố do UBND TP HCM tổ chức sáng 14-12.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cương chủ trì hội nghị
PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, trường ĐH Việt Đức, cho rằng TP HCM đứng trước cơ hội lớn để sang trang mới cho vận tải đường thủy. Kinh nghiệm của nhiều TP lớn trên thế giới phát triển mạnh về vận tải đường thủy đều theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).
Không chỉ trên bến, dưới thuyền mà nhiều dịch vụ vui chơi, mua sắm, ăn uống…cũng phát triển dọc bờ sông. Khách đi buýt sông, ca nô hoặc phà đều có thể tấp vào ăn uống, mua sắm rồi chọn tiếp các phương tiện giao thông khác đi lại như xe buýt, xe đạp…
“Do đó muốn giao thông thủy TP HCM phát triển tốt cần tích hợp phát triển đô thị ven sông với hệ thống vận tải hành khách đường thủy, sớm đưa mô hình TOD vào đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM” – PGS-TS Vũ Anh Tuấn đề xuất.
Là doanh nghiệp khai thác nhiều tuyến vận tải đường thủy trên sông Sài Gòn, ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP, cho rằng phát triển tốt vận tải đường thủy sẽ mang lại kinh tế cho TP HCM. Do đó, thành phố cần sớm hoàn thiện các quy định về cho thuê đất hành lang sông, rạch để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư bến bãi, được khai thác các dịch vụ hỗ trợ như đặt nhà vệ sinh, quầy ăn uống, gian hàng quà lưu niệm…phục vụ du khách.
“Chúng tôi không chủ trương đầu tư để sở hữu, chỉ mong muốn đầu tư cơ sở hạ tầng để tất cả tàu có thể vào, tạo động lực phát triển giao thông thủy”- ông Hải cho hay.
Hành khách đi tuyến buýt sông số 1 tại TP HCM
Đại diện Công ty TNHH Les River, bày tỏ mong muốn TP sớm có cơ chế để các doanh nghiệp đầu tư bến bãi, xây dựng trạm dừng cho du khách đi vệ sinh, nghỉ ngơi…
“Ví dụ tuyến du lịch Bạch Đằng – Cần Giờ, công ty đưa du khách đi tham quan phải kết hợp người dân địa phương cho khách vào đi vệ sinh. Người dân chỉ làm cầu tạm ven sông, nhưng sau đó bị cơ quan chức năng xử phạt, phải dừng lại. Hay tuyến du lịch bến Bạch Đằng – Củ Chi, doanh nghiệp chúng tôi bỏ ra 1 tỉ đồng để đầu tư cầu tạm vào một vườn trái cây nhưng chỉ là bến tạm nên không phát huy hiệu quả. Chưa kể, du khách muốn ghé 1 số điểm tham quan dọc tuyến như làng hoa Nhị Bình (huyện Hóc Môn), vườn trái cây Trung An (Củ Chi)…nhưng không thể ghé vì chưa có bến bãi” – đại diện công ty này cho hay.
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường ghi nhận các ý kiến, đề xuất của chuyên gia, doanh nghiệp và các sở, ngành. Ông cho hay, sắp tới, thành phố sẽ triển khai nhiều nhóm việc theo thứ tự ưu tiên gồm: Hoàn thiện quy hoạch chung của TP tạo cơ sở hoàn tất quy hoạch bến bãi ven sông, kêu gọi nhà đầu tư khai thác; có cơ chế về giảm, miễn thuế để nhà đầu tư mua sắm phương tiện; cải tạo môi trường nước, nâng độ tĩnh không thông thuyền 1 số cầu thấp trên các tuyến sông, kênh…
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)