Theo bà Lan, đây là lĩnh vực thuộc quản lý của Chi cục Chăn nuôi và thú y của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP HCM.
Tuy nhiên, khi xảy ra sự việc, UBND TP HCM đã chỉ đạo xem xét kỷ luật các cán bộ thú y và rà soát lại quy trình.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, thông tin tại buổi họp báo
“Giết mổ là thực trạng còn tồn tại nhiều vấn đề. Cách đây vài năm, khi đơn vị mới được thành lập đã xảy ra sự việc tiêm thuốc mê vào mấy ngàn con heo. Thời điểm đó, chúng ta đã có đề xuất để quản lý, bảo đảm nghiêm túc của cán bộ thú y. TP HCM là địa phương hiếm hoi trong cả nước đã dẹp lò giết mổ nhỏ lẻ để tập trung vào lò giết mổ tập trung đi lên hiện đại hóa.
Tuy nhiên, lò mổ công nghiệp còn vướng nhiều vấn đề nhưng so với việc lẻ mẻ hàng trăm hàng nghìn trên địa bàn thì tập trung vào những lò mổ lớn để công tác quản lý thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, tiến hành đề án truy xuất nguồn gốc để quản lý từ trang trại đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại như vấn đề” – bà Lan nói.
Bà Lan cho rằng.sự việc xảy ra là bài học cho cơ quan quản lý phải làm sao để chấn chỉnh tình trạng này. Ban QLATTP đã báo cáo lên UBND TP để cùng có cơ chế quản lý, giám sát chứ không phó mặc toàn bộ khâu chăn nuôi, giết mổ cho lực lượng nông nghiệp. Bởi sau đó, khi heo xả ra mảnh thành thực phẩm thì mới thuộc quyền quản lý của Ban QLATTP.
“Nếu như những con heo chết không bảo đảm ngay từ ban đầu để đưa ra thị trường thì toàn bộ quá trình quản lý phía sau thành vô nghĩa” – bà Lan nhấn mạnh.
Theo phản ánh của phóng viên, một số địa chỉ sử dụng thịt heo chết. Trong 5 đơn vị khi đột xuất kiểm tra thì có 2 cơ sở không kinh doanh thịt heo.
Tại 2 cơ sở ở Hóc Môn đã phát hiện 953kg thịt heo bẩn. Lực lượng chức năng đã xử phạt 50 triệu và toàn bộ số thịt heo đã bị tiêu hủy. Còn 1 cơ sở tại phường 25, quận Bình Thạnh đã được UBND địa phương xử phạt về việc kinh doanh thịt không trình được nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ.
Bà Lan cũng cho biết, về thanh tra chỉ có 1 đơn vị thanh tra chứ không thể chồng chéo lên nhau. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi. Từ trước tới nay, ban quản lý kiểm soát gián tiếp chứ không trực tiếp bởi đa số heo giết mổ tại TP và 1 số tỉnh bạn đưa về chợ đầu mối của TP.
Lúc này, lực lượng của ban sẽ kiểm tra heo về truy xuất nguồn gốc để kịp thời phát hiện
“Hầu như đêm nào cũng có báo cáo heo không đảm bảo chất lượng bị bắt tại chỗ và tiêu hủy. Ngoài ra, ban cũng còn hình thức kiểm tra gián tiếp là địa bàn sử dụng thịt heo trong quản lý sản xuất kinh doanh sẽ chịu sự kiểm tra của đội QLATTP cũng như lực lượng liên ngành của quận huyện về nguồn gốc xuất xứ, thời gian tới sẽ đẩy mạnh quản lý hơn nữa.
Bà Phong Lan cũng khẳng định không có việc tràn lan thịt heo bẩn trên thị trường hiện nay. Về việc xóa lò giết mổ lậu cũng như chống lại tình trạng heo chết, heo bệnh, trách nhiệm thuộc về cán bộ thú y, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý.
“Chúng ta không để thịt heo bẩn tràn lan. Điều này được chứng minh bằng số lượng mẫu thịt heo về độ nhiễm khuẩn, các tiêu chí an toàn thì vẫn trong giới hạn cho phép và chúng tôi cũng không bao giờ để xảy ra tình trạng thịt heo bẩn tràn lan” – bà Lan nhấn mạnh.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)