Chúng tôi rất muốn tìm câu trả lời bằng một cuộc phỏng vấn với người đứng đầu cơ quan quản lý chuyên ngành – Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) nhưng xem ra có vẻ khó khăn vì cơ quan này từ chối trả lời phỏng vấn. Muốn được trả lời bằng văn bản, cơ quan báo chí phải gửi câu hỏi trước, chờ được lãnh đạo cục đồng ý cho phép trả lời, các bộ phận tham mưu mới soạn văn bản trả lời. Thường phải mất rất nhiều thời gian cơ quan báo chí mới nhận được văn bản trả lời và nội dung trả lời cũng chỉ chung chung dựa trên các quy định của pháp luật.
Liệu Cục Di sản văn hóa có xót xa trước thực trạng di tích, đặc biệt là di tích cấp quốc gia bị xâm hại, tàn phá do con người mỗi lúc một nhiều hơn không? Chúng tôi nghĩ là có. Những ai quan tâm và hiểu biết chút ít về giá trị di sản của cha ông để lại đều đau lòng. Nhưng tại sao cơ quan quản lý đầu ngành cứ để tình trạng này tái diễn hết năm này qua tháng nọ, hết địa phương này đến địa phương khác, hết di tích này đến di tích kia mà không có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng di tích bị xâm hại nghiêm trọng trong thời gian qua đã được thanh tra Bộ VH-TT-DL chỉ rõ là hầu hết các vụ tôn tạo “chui”, khi chính quyền sở tại phát hiện, đình chỉ, di tích đã bị phá hỏng các kiến trúc cổ…; phần lớn các di tích được trùng tu bằng nhiều nguồn vốn khác nhau nên khó kiểm soát; quy trình thủ tục triển khai không bảo đảm; nhiều dự án, thiết kế được lập bởi các tổ chức, cá nhân không có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di sản…
Mặc dù Luật Di sản văn hóa quy định UBND các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở địa phương trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, theo phân cấp của Chính phủ nhưng luật này cũng quy định Bộ VH-TT-DL chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Những quy định về quản lý nhà nước trong Luật Di sản văn hóa còn bao gồm: Tổ chức, chỉ đạo các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa… Hơn ai hết, Cục Di sản văn hóa cần nhận lãnh trách nhiệm thực hiện tốt những nội dung quy định này, nhất là khi công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở nhiều địa phương luôn “có vấn đề” (Báo Người Lao Động đã phản ánh trong loạt bài “Di tích cấp quốc gia kêu cứu khắp nơi”, số ra từ ngày 28-3). Cố tình xâm hại di tích cũng có nhưng phần lớn là do thiếu hiểu biết về giá trị di sản, về pháp luật và chuyên môn trùng tu di tích dẫn đến phá hoại.
Cục Di sản văn hóa không thể cứ tiếp tục để số phận di tích được quyết định bởi những người vô cảm, thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm ở nhiều địa phương mà không có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Mỗi di tích bị hủy hoại, xâm hại không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp mà có phần trách nhiệm lớn của cơ quan quản lý đầu ngành.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)