Nghiên cứu mới – dẫn đầu bởi 2 nhà khoa học Stefan Kruse và Ulrike Herzchuh của Viện Alfred Wegener (AWI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu địa cực và biển Helmholtz (Đức) – cảnh báo lãnh nguyên Siberia, nơi có một diện tích lớn được bao phủ bởi băng giá, có thể biến mất vào năm 2500, trừ khi lượng khí thải nhà kính giảm đáng kể.
“Thật kinh ngạc khi thấy lãnh nguyên chuyển hóa thành rừng nhanh đến thế” – nhà sinh thái học Kruse thảng thốt.
Và khu rừng xanh tươi trong tương lai này không hề là tin vui. Việc mất đi lãnh nguyên sẽ là đòn giáng mạnh đến đa dạng sinh học và kể cả cuộc sống của con người, làm trầm trọng thêm tình trạng ấm lên của Bắc Cực, vốn đang nhanh gấp đôi so với phần còn lại của địa cầu. Chỉ từ năm 1960-2019, nhiệt độ không khí đã tăng gần 4 độ C.
Khi lớp phủ băng vĩnh cửu của lãnh nguyên tan ra, nó có thể giải phóng một lượng lớn khí nhà kính được lưu trữ vào bầu khí quyển, làm tăng tốc độ ấm lên của toàn thế giới.
Một nhóm khoa học gia đang làm việc tại Nam Cực, một lục địa băng đang tan chảy Ảnh: REUTERS
Nghiên cứu từ Viện Địa vật lý Fairbanks thuộc Trường ĐH Alaska (Mỹ) cũng đưa ra cảnh báo nhiều khu vực đất đai quanh năm không đóng băng đã bắt đầu xuất hiện rải rác ở khu vực nội địa và Tây Bắc Alaska, do biến đổi khí hậu.
Các tảng đất không đóng băng giữa các khu vực có băng vĩnh cửu – gọi tắt là talik – có ý nghĩa rất lớn đối với chu trình carbon giữa các vi sinh vật, khoáng chất và bầu khí quyển.
Các talik có thể cắt xuyên qua toàn bộ cột băng ở những nơi lớp băng vĩnh cửu quá mỏng, gây xuống cấp trầm trọng lớp băng vĩnh cửu. Carbon hữu cơ hòa tan, ni-tơ hòa tan và các chất gây ô nhiễm như thủy ngân trong băng sẽ tìm đường vào sông suối.
Trước đó, những hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao cho thấy màu xanh đang dần lan rộng trên dãy Alps ngàn năm tuyết phủ.
Theo báo The Guardian, các dữ liệu cho thấy diện tích thực vật trên đỉnh các ngọn núi của dãy Alps đã tăng 77% kể từ năm 1984, đe dọa nhiều loại thực vật quý hiếm chuyên biệt. Những ngọn núi xanh hơn lại phản chiếu ánh sáng mặt trời ít hơn núi tuyết trắng, do đó tốc độ ấm lên càng bị đẩy mạnh.
Chưa hết, báo cáo mới nhất từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy mức CO2 – liên quan mật thiết đến sự ấm lên toàn cầu – đã nhiều hơn 50% so với thời tiền công nghiệp và tương đương 4 triệu năm về trước. Đó là giai đoạn mà nhiều vùng tuyết giá trên trái đất ngày nay được phủ xanh và cũng là thời điểm mực nước biển cao tới nỗi nhiều thành phố lớn của thời hiện đại còn chìm sâu 5-25 m dưới đại dương.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)