Dân tộc Chăm có một nền văn hóa lâu đời và độc đáo. Từ thời xa xưa, đồng bào Chăm đã biết sáng tạo, gìn giữ và phát huy văn hóa của mình.
Theo thống kê không chính thức, tại An Giang có khoảng 13.000 người Chăm đang sinh sống, tập trung chủ yếu tại An Phú và Tân Châu. Khác với đồng bào Chăm ở Ninh Thuận, người Chăm ở đây theo đạo Hồi và thánh đường Hồi giáo được xem là một trung tâm văn hóa của cộng đồng.
Tại An Giang, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những tòa nhà nép mình bên dòng sông Hậu nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp uy nghi, huyền bí, mê hoặc khiến bất kỳ du khách nào cũng cảm tưởng đang lạc vào xứ “Nghìn lẻ một đêm”. Trong đó, thánh đường Masjid Jamiul Azhar tại thị xã Tân Châu có lịch sử lâu đời và quy mô đẹp nhất.
Mặt tiền của thánh đường Masjid Jamiul Azhar
Theo sử liệu, thánh đường được xây dựng bằng gỗ vào khoảng năm 1700 từ thời Thoại Ngọc Hầu có tên là “Masjid Yahya”. Sau đó, thánh đường được xây mới nhiều lần bằng đá, xi măng vào năm 1952. Sau khi xây dựng, đến năm 1959, thánh đường lấy tên mới là Masjid Jamiul Azhar.
Vẻ đẹp mê hoặc của thánh đường ngay khi bước vào
Như mọi thánh đường của người Hồi giáo, Masjid Jamiul Azhar được thiết kế với cổng chính hình vòng cung, mái vòm cao rộng hay hoa văn trang trí hình mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao – biểu tượng của đạo Hồi. Không như hội quán của người Hoa tràn ngập sắc đỏ vàng, thánh đường của người Chăm mang tông trắng xanh chủ đạo.
Màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết và màu xanh lục thể hiện niềm hạnh phúc, an lạc vĩnh hằng.
Khung cửa in hoa văn viền cách điệu, những biểu tượng trăng lưỡi liềm theo lối kiến trúc cổ của đạo Hồi, khiến toàn bộ thánh đường trông như một tuyệt tác nghệ thuật.
Masjid Jamiul Azhar khiến người ta ngỡ ngàng bởi lối thiết kế độc đáo
Theo quan niệm đạo Hồi, trăng lưỡi liềm tượng trưng cho Âm lịch đạo Hồi (còn gọi Hồi lịch), biểu tượng ngôi sao thể hiện sự thành tâm, thành ý theo thánh Allah.
Thánh đường mang đậm kiến trúc Hồi giáo Trung Đông.
Dường như mọi ngóc ngách của khu thánh đường, người ta đều có thể dễ dàng tìm kiếm cho mình một góc chụp đầy mới lạ. Những phông nền trắng tinh khôi dưới ánh nắng mặt trời, những đường nét kiến trúc đầy tinh xảo, và vẻ cổ kính nhưng cũng đầy huyền bí, tất cả đều mang lại những khung hình mãn nhãn, mê mẩn.
Không khó để bạn tìm được những góc chụp đẹp tại đây
Với người Hồi giáo, một ngày có 5 thời điểm làm lễ: Trước khi Mặt Trời mọc, trước giữa trưa, xế chiều, tối và trước khi đi ngủ, do đó trong thánh đường lúc nào cũng có người dân tới hành lễ. Và vì đây là nơi tôn nghiêm, nên khi đến nơi đây, các bạn nhớ chú ý lựa chọn trang phục thật phù hợp, không gây ồn ào mất trật tự để tận hưởng không gian tuyệt đẹp nơi đây một cách trọn vẹn nhất.
Người Chăm trong bộ trang phục truyền thống
Ngoài thánh đường Masjid Jamiul Azhar, bạn hoàn toàn có thể ghé thăm các thánh đường khác của người dân như thánh đường Masjid Al-Ehsan ở làng Chăm Đa Phước (An Phú) hay thánh đường Mubarak (Tân Châu)…
Thánh đường Masjid Al-Ehsan nổi bật với mái vòm màu vàng óng
Sau khi tham quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính đầy huyền bí các thánh đường, bạn hãy dành thời gian dạo qua các con đường nhỏ dẫn lối vào ngôi làng người Chăm. Ở An Giang có rất nhiều làng Chăm như làng Châu Giang, làng Đa Phước, làng Châu Phong, Khánh Bình, Vĩnh Trường…
Nét chung giữa những ngôi làng này là sự bình yên và chiều sâu văn hóa.
Trên những con đường làng bình dị, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những cư dân bản địa mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày. Nam giới thì mặc xà rông, nữ giới thì mặc abaja và quấn khăn Mat’ra. Tất cả mọi người đều toát lên vẻ thong dong, tự tại chứ không quá tất bật với những nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Đặc biệt khi ghé thăm Đa Phước, bạn sẽ được thưởng thức nghệ thuật dệt thổ cẩm bằng khung cửi. Đây là nghề thủ công được cộng đồng người Chăm gìn giữ qua nhiều thế hệ đồng thời là vẻ đẹp văn hóa lâu đời mang đậm bản sắc dân tộc. Sản phẩm may, đan, thêu với những hoa văn, họa tiết tinh xảo sau khi hoàn thiện thường sẽ được bày tại các quầy lưu niệm trong làng để du khách mua về làm quà cho gia đình, bạn bè.
Các khăn choàng, váy, áo… dưới bàn tay lành nghề của người bản địa sở hữu cho mình nét cuốn hút rất riêng.
Những sắc màu Hồi giáo của người Chăm tại An Giang với các phong tục tập quán thú vị hứa hẹn là chốn dừng chân hoàn hảo cho trái tim ưa xê dịch. Không những có cơ hội tìm hiểu về văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào miền sông nước lại có thể bỏ túi vô số shoot hình cực “chất” cùng những thánh đường độc đáo, làm sao có thể bỏ qua địa danh này được các bạn ơi!!!
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)