Bước ngoặt trên cũng đồng nghĩa vị thế độc tôn của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong tham vọng hiện diện thường trực của con người trên quỹ đạo trái đất chuẩn bị kết thúc.
Trong thời gian ở TSS, Thần Châu-15 sẽ tiến hành hơn 40 thí nghiệm và thử nghiệm trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học vũ trụ, y học vũ trụ và công nghệ vũ trụ, bên cạnh các hoạt động ngoài không gian, theo hãng tin Tân Hoa Xã.
Giới chức Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã thông báo kế hoạch cho ISS “nghỉ hưu” vào năm 2030. Tuy nhiên, Nga đang cân nhắc rút khỏi ISS từ năm 2024 và nếu điều này xảy ra, việc vận hành ISS sẽ rất khó khăn – chuyên gia Stefania Paladini của Trường ĐH TP Birmingham (Anh) nhận xét.
“Trạm không gian của Trung Quốc có thể sẽ là sự hiện diện duy nhất của con người trên quỹ đạo trái đất trong một quãng thời gian” – ông Paladini nói.
Ảnh chụp từ Thần Châu 15 trong lúc phi thuyền này tiếp cận Trạm Không gian Thiên cung (TSS) ngày 30-11. Ảnh: CMG
Theo đài CNN, các phi hành gia Trung Quốc từ lâu không tham gia ISS do căng thẳng chính trị và hạn chế pháp lý.
Tuy nhiên, các phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) đã tham gia huấn luyện với đồng nghiệp châu Âu ở Cơ quan Vũ trụ châu Âu.
Hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có mời phi hành gia nước khác đến TSS hay không nhưng chuyên gia Molly Silk của Trường ĐH Manchester (Anh) nhận định kịch bản này rất có thể sẽ xảy ra trong vài năm tới.
“Nhiều phi hành gia châu Âu đã và đang học tiếng Hoa để hợp tác tốt hơn với đồng nghiệp Trung Quốc. Do đó, việc họ đến thăm TSS là hoàn toàn có thể xảy ra. Pakistan cũng đang nỗ lực hợp tác với Trung Quốc trong kế hoạch đưa phi hành gia Pakistan đầu tiên lên không trung” – bà Silk cho hay.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)