Trang chủ Giải tríÂm nhạc Trào lưu TikTok, “thảm họa” của nhạc Việt?

Trào lưu TikTok, “thảm họa” của nhạc Việt?

bởi Linh

Một bản nhạc trên TikTok có thể nổi tiếng theo tốc độ chóng mặt đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của nhiều sản phẩm âm nhạc “mì ăn liền”, rập khuôn, thiếu sáng tạo. Sự nổi tiếng dễ dãi đang tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của thị trường âm nhạc.

Đua nhau remix nhạc

Thông qua TikTok, những bản nhạc remix này sẽ được kết hợp với các KOLs (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) tạo ra xu hướng, kích thích người dùng sử dụng bản nhạc đó trong các video của mình để hợp thời, có lượng tương tác cao.

Ca sĩ ra bài hát nhưng khán giả không thể nhớ nổi bản gốc vì đã quá quen thuộc với bản remix được nghe qua TikTok. Công thức phát hành sản phẩm âm nhạc quen thuộc trước đây: ra mắt video ca nhạc, quảng bá và đi diễn. Tuy nhiên hiện nay nhiều ca sĩ chỉ cần chuẩn bị bản remix để tung lên TikTok như một cách truyền thông hiệu quả, ít tốn kém nhất.

Sơn Tùng M-TP là ca sĩ thường xuyên làm mới các bản phối để có nhiều sự lựa chọn khi đi diễn. Các bản remix đều được làm lại một cách chỉn chu, thu hút người nghe nhưng vẫn giữ được chất riêng.

“Chạy về khóc với anh” của Erik cũng đã được lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường bằng bản remix theo phong cách vinahouse. Ban đầu, ca khúc này dính nghi án đạo nhái bản hit (bài hát được phổ biến rộng) đình đám của Châu Kiệt Luân nhưng bản remix trên TikTok đã lật ngược tình thế. Cư dân mạng thích thú chia sẻ các video vũ đạo sử dụng bản remix “Chạy về khóc với anh” vì giai điệu dễ nhớ, dễ nghe.

Một ca khúc cũng làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc trong thời gian vừa qua là “Sau lưng anh có ai kìa” của Thiều Bảo Trâm cũng đã bắt kịp xu thế với bản remix. Sau rất nhiều những lần ra mắt các sản phẩm âm nhạc không nhận được sự đón nhận của khán giả, lần này “Sau lưng anh có ai kìa” lại chiếm lĩnh các bảng xếp hạng trong nhiều tuần liên tục.

Cả Erik và Thiều Bảo Trâm sau đó đều dùng bản remix để biểu diễn, chạy show. Giai điệu gốc chìm vào quên lãng. Trước đó, nhiều ca sĩ khác cũng đã nổi lên nhờ các bản remix như ca khúc “Hương” của Văn Mai Hương, “Hai phút hơn” của KAIZ..

Bên cạnh những ca sĩ trẻ đã có tên tuổi, nhiều ca sĩ gạo cội cũng bắt buộc phải chạy theo trào lưu remix nhạc để sản phẩm có thể nhanh chóng phủ sóng đến khán giả.

Trào lưu TikTok, thảm họa của nhạc Việt? - Ảnh 1.

Poster bài hát “Chạy về khóc với anh” của Erik

Thiếu chiều sâu

Nhạc TikTok phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn thị trường bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Giải pháp đưa ra tại thời điểm đó là quảng bá các bài hát mới thông qua TikTok, chỉ cần một đoạn nhạc viral (nhạc giới thiệu ngắn) là bài hát sẽ được chú ý. Các đoạn này có đặc điểm dễ nhớ, dễ thuộc, tác động trực tiếp tới cảm xúc của người nghe trong thời gian ngắn. Các đoạn nhạc này sẽ được remix rồi chèn vào các video trên TikTok và trở thành xu hướng một cách dễ dàng.

Ngoài ra, một trong những lý do khiến nhạc remix vinahouse dễ tạo gây ấn tượng bởi tiết tấu nhanh, đập thật mạnh ở âm khu trầm được tạo nên từ tiếng trống bass dồn dập, với nhịp điệu 4/4 được lặp đi lặp lại đều đặn nhiều lần. Ngay lập tức có thể “găm” những âm thanh và tiết tấu đặc trưng của mình vào trí óc người nghe.

Từ những bản vinahouse chỉ remix các ca khúc cũ của thế hệ 8x, nhạc dân ca, giờ đây đã trở thành một công cụ giúp cho nhiều ca sĩ phủ sóng bài hát của mình trên TikTok. Bất kể là thể loại nhạc gì, chỉ cần phối lại theo vinahouse, bài hát sẽ dễ được lan tỏa hơn.

Nổi tiếng từ bản nhạc remix “Dễ đến dễ đi” thịnh hành trên nền tảng TikTok, tên tuổi của Quang Hùng MasterD được đông đảo khán giả biết đến. Gần đây, anh vừa cho ra mắt ca khúc “Chỉ còn một đêm” với giai điệu gần như không quá khác biệt với bài hát trước đó. Điều này khiến nhiều người nghi ngại đặt câu hỏi về tinh thần sáng tạo, làm mới trong âm nhạc của các ca sĩ trẻ hiện nay.

Chỉ cần được nổi tiếng, nhiều người làm nhạc sẵn sàng từ bỏ những ranh giới, những tiêu chuẩn vốn có để kiếm tương tác và được công nhận trên TikTok. Điều này khiến thị trường xáo trộn, giảm hẳn các sản phẩm âm nhạc chất lượng, hình thành cách nghe nhạc dễ dãi.

Nói về điều này, Tinle – nhà sản xuất nhiều bản hit của nhóm Space Speakers – cho rằng vinahouse chỉ là một dòng nhạc điện tử, đây là loại nhạc phù hợp nghe ở vũ trường, những nơi có không khí sôi động. Loại nhạc này thiếu chiều sâu và nếu lạm dụng sẽ mất đi chất riêng, đi vào lối mòn một màu, không điểm nhấn.

Nhiều ý kiến minh chứng cho việc “thiếu chiều sâu” có thể chỉ ra như nhiều ca khúc có đoạn nhạc viral trên TikTok rất hay nhưng lại bị khán giả chê, vì tổng thể bài không có sự hòa hợp, rập khuôn. Nhiều đoạn remix theo phong cách vinahouse tuy ăn sâu vào trí nhớ của người nghe, thuộc từng câu nhưng khi được hỏi lại thì không thể biết được tên bài hát là gì, ca sĩ thể hiện là ai.

Theo những nhà chuyên môn, nhạc vinahouse khó có thể trở thành xu hướng chung cho thị trường âm nhạc Việt, ca sĩ không thể dựa mãi vào những bản remix để tạo nên dấu ấn cho tác phẩm, mà phải tạo ra sản phẩm có chất lượng thật sự để đi sâu vào bộ nhớ của công chúng.

Nhạc remix trên TikTok thường là những bản remix theo một phong cách có công thức gần như giống nhau. Đoạn remix viral của ca khúc “Anh hứa không bao giờ đua nữa” của Lã Phong Lâm, mặc dù câu từ kém cỏi, thô vụng, song lại có không ít người thích: “Một cơn bão ào sang phố Huế rồi tiến về trung tâm Hồ Gươm đã lên đèn/Náo loạn Hồ Hươm ôi náo loạn Hồ Gươm tiếng nẹt bô ầm giời?” (?!)

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm