Từ ngày 13-4 tới đây, TP Hà Nội cho toàn bộ trẻ mầm non đến trường đi học trực tiếp sau hơn 1 năm nghỉ ở nhà do dịch Covid-19. Trước đó, ngày 6-4, Hà Nội đã cho phép học sinh tiểu học và lớp 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã trở lại trường học sau thời gian dài tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19.
Đến thời điểm này 63/63 tỉnh thành trên cả nước đã cho phép học sinh các cấp học được đi học trực tiếp trở lại. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận định, tình hình dịch bệnh tại thành phố đã chuyển biến tích cực, số F0 là học sinh, giáo viên giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Các chuyên gia khuyến cáo khi trẻ em đến trường vẫn nên đeo khẩu trang và khử khuẩn – Ảnh: M.Châu
Những ngày qua, dù số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội đã giảm sâu nhưng đây vẫn là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về số ca Covid-19 suốt nhiều tháng qua, trong số này nhiều trường hợp là trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc-xin.
Trước thực tế này, nhiều phụ huynh băn khoăn, trẻ đã mắc Covid-19 rồi, khi đi học trực tiếp có phải thực hiện các biện pháp 5K, nhất là đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm.
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, giải thích một người mắc Covid-19 khi test nhanh cho kết quả âm tính có nghĩa là khi đó các dịch tiết đường hầu họng không còn virus. Trường hợp đó không còn là nguồn lây với người xung quanh và cộng đồng.
Tuy nhiên, nếu mắc Covid-19 đã khỏi bệnh rồi, một số trường hợp kể cả trẻ nhỏ vẫn có khả năng tái nhiễm nên các biện pháp dự phòng lây nhiễm như rửa tay, khử khuẩn và đeo khẩu trang khi đến trường vẫn là điều cần thiết.
Nhấn mạnh việc trẻ dù được tiêm vắc-xin hay chưa tiêm thì đi học là vô cùng cần thiết, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết thực tế nhiều quốc gia trên thế giới đã hối thúc học sinh, sinh viên đi học trở lại dù chưa tiêm vắc-xin.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch cho nhóm này, các quốc gia đã kiểm soát bằng nhiều biện pháp, trong đó, Nhật Bản, Singapore tăng cường kiểm tra triệu chứng; Canada, Mỹ yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm…
“Thời gian qua chúng ta đã thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả Covid-19 nên việc cho trẻ em các cấp học đến trường là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Việc cho trẻ đi học lại là vô cùng cần thiết bởi hậu quả và hệ lụy của việc trẻ em không được đến trường, không được tương tác giữa trẻ với trẻ, tương tác giữa trẻ với thầy cô gây ra các khiếm khuyết về tinh thần và thể chất”- ông Phu nói.
Nhiều tháng qua, việc kiểm soát dịch Covid-19 đã được chuyển từ giai đoạn Zero Covid sang giai đoạn thích ứng an toàn, kiểm soát rủi ro. Tức là khi trẻ đến trường mắc Covid-19 thì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đối với trẻ đó, lớp học có trẻ nhiễm.
“Khi đi học, các trường vẫn phải triển khai các biện pháp phòng bệnh. Phụ huynh cũng cần phối hợp tốt với nhà trường để đảm bảo an toàn cho các cháu”- PGS Phu khuyến cáo.
Một số bác sĩ cũng lưu ý virus SARS-CoV-2 có nhiều biến thể. Một người đã mắc biến thể này vẫn có nguy cơ nhiễm biến thể khác hoặc tái nhiễm sau một thời gian. Do đó, trẻ đã mắc Covid-19 khi đi học vẫn phải đảm bảo các biện pháp dự phòng, đặc biệt là khẩu trang và khử khuẩn.
Tại các trường học nên có sẵn các dung dịch hay xà phòng rửa tay, bố trí nơi rửa tay nơi thuận lợi cho trẻ. Khi được gặp nhau ở trường sau thời gian dài học trực tuyến, trẻ rất khó để không tụ tập vui chơi, do đó, cần khuyến khích trẻ đeo khẩu trang, khử khuẩn tay hoặc rửa tay thường xuyên nhất có thể.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)