Chiều ngày 19-5, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Kể chuyện sau ngày thống nhất”. Sự kiện này là hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025) và 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2025).
Triển lãm giới thiệu 102 tác phẩm gồm tranh, tượng, ký họa được sưu tầm từ bảo tàng và sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc Câu lạc bộ Truyền thống Mỹ thuật Giải phóng. Các tác phẩm được sắp xếp thành 4 chủ đề chính: “Ký họa chiến trường”, “Hồi ức bão lửa”, “Những khoảng lặng”, “Góc nhìn hôm nay”.
Khám phá các tác phẩm trưng bày

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Các tác phẩm trưng bày bao gồm những cái tên đáng chú ý như “Truy kích” (Trang Phượng), “Trạm giao liên” (Nguyễn Văn Đệ), “Xuống đường” (Phạm Đỗ Đồng), “Tiến quân ra đèo Hải Vân” (Thái Hà), “Xuống đường chống Mỹ” (Đào Thế), “Vết xích xe tăng giặc” (Huỳnh Văn Thuận), “Đại lộ kinh hoàng” (Phạm Hoàng)…
Sự kết hợp giữa các tác phẩm thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật và sáng tác của các nghệ sĩ đi qua thời chiến chính là điểm đặc biệt của chuyên đề này. Từ đó tạo nên một dòng chảy ký ức liền mạch, gợi mở không gian suy tưởng về một thời khói lửa và những hồi ức còn vang vọng.
Ý nghĩa của triển lãm
Theo ông Trần Minh Công, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, triển lãm chuyên đề này không chỉ là hành trình gợi nhắc về một chặng đường lịch sử đặc biệt, mà còn là dịp để chúng ta cùng nhau chiêm nghiệm và trân trọng giá trị của hòa bình, lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Trước đó, công chúng đã có dịp giao lưu với các họa sĩ, nhà điêu khắc phòng Hội họa giải phóng (B11) với nhiều câu chuyện cảm động về công việc sáng tác của những họa sĩ-chiến sĩ một thời khói lửa.
Triển lãm chuyên đề “Kể chuyện sau ngày thống nhất” sẽ kéo dài đến ngày 8-6.