Theo tờ The Washington Post, nhà chức trách tỉnh Tứ Xuyên đã yêu cầu các nhà máy ở 19 thành phố tạm ngừng sản xuất từ đầu tuần này cho đến ngày 20-8 để dành điện cho người dân. Một số khu vực khác ở miền Nam Trung Quốc cũng ra lệnh ưu tiên sử dụng điện chạy máy điều hòa không khí.
Nắng nóng gay gắt đang khiến nhu cầu điện tăng vọt và làm cạn kiệt nhiều hồ chứa. Nhiệt độ ở Tứ Xuyên dao động từ 40-42 độ C kể từ tuần trước, theo dữ liệu từ Cục Khí tượng Trung Quốc. Các con sông tại tỉnh này đã khô cạn trong mùa hè, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất điện.
Theo thống kê, 11 tỉnh hiện có cảnh báo về nhiệt độ trên 40 độ C. Riêng nhiệt độ tại TP Trùng Khánh đạt mức kỷ lục 44,5 độ C vào cuối tuần rồi. Ngày 16-8, phát ngôn viên Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc Jin Xiandong thừa nhận nước này đang phải phụ thuộc nhiều hơn vào than để sản xuất điện do nắng nóng và hạn hán đang làm giảm đáng kể sản lượng thủy điện.
Người dân đi lại trong điều kiện thời tiết nắng nóng ở TP Phụ Dương, tỉnh An Huy – Trung Quốc hôm 13-8Ảnh: Reuters
Thực trạng trên cho thấy biến đổi khí hậu đang làm gia tăng các thách thức kinh tế tại Trung Quốc. Trước đó, giới chức nước này cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay do tác động của các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt. Nỗi lo sắp tới là những đợt nắng nóng gay gắt như mùa hè năm nay dự kiến ngày càng phổ biến ở Trung Quốc.
Tại Đông Á, không chỉ Trung Quốc đau đầu với nắng nóng. Theo tờ The Straits Times (Singapore), một nghiên cứu mới cảnh báo biến đổi khí hậu khiến nắng nóng sẽ khắc nghiệt và diễn ra thường xuyên hơn tại khu vực này, đe dọa đến sức khỏe con người và nông nghiệp.
Từ đó, nhóm tác giả cuộc nghiên cứu – do chuyên gia Kyung-Ja Ha của Trường ĐH Quốc gia Pusan (Hàn Quốc) dẫn đầu – nhấn mạnh các nước ảnh hưởng cần phải phát triển chiến lược để thích ứng với viễn cảnh nói trên và giảm tác động của nắng nóng.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)