Theo bản án sơ thẩm giai đoạn hai, ngoài trách nhiệm hình sự, bà Trương Mỹ Lan – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – bị yêu cầu bồi hoàn toàn bộ số tiền hơn 30.092 tỷ đồng (tương đương 1,17 tỷ USD) cho các nhà đầu tư mua trái phiếu và các bên liên quan. Ngày 25/3/2025, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm để xem xét đơn kháng cáo của bà Lan và các đồng phạm liên quan đến các tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “rửa tiền,” và “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.” Tuy nhiên, một câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu bà Trương Mỹ Lan có đủ nguồn tài chính để thi hành phán quyết của tòa án?

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa phúc thẩm hôm 25 Tháng Ba. (Hình: Nguyễn Huế/VietNamNet)
Trao đổi với báo VietNamNet ngày 31/3/2025, Luật sư Giang Hồng Thanh – một trong những người bào chữa cho bà Lan – cho biết Cục Thi hành Án Dân sự TP.HCM đã “nỗ lực và quyết liệt” trong việc thu hồi tài sản liên quan đến vụ án nhằm thực hiện bản án. Theo Công văn số 1948 của cơ quan này, tính đến ngày 24/3/2025, tổng cộng hơn 24.043 tỷ đồng (khoảng 940,9 triệu USD) đã được xác định, bao gồm: 8.659 tỷ đồng (338,8 triệu USD) tiền mặt trong tài khoản của Cục Thi hành Án và các tài khoản bị phong tỏa, cùng 15.383 tỷ đồng (602 triệu USD) là khoản tiền mà các cá nhân và tổ chức có nghĩa vụ hoàn trả cho bà Trương Mỹ Lan.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm giai đoạn hai còn kê biên nhiều tài sản của bị cáo, bao gồm cổ phần và bất động sản với tổng trị giá ước tính hơn 10.000 tỷ đồng (391,3 triệu USD). Một nguồn tiền khác có thể được sử dụng để khắc phục hậu quả là hơn 15.712 tỷ đồng (614,8 triệu USD) từ các trái phiếu An Đông đã được thanh toán cho sáu tổ chức tín dụng.
Như vậy, tổng cộng ba nguồn tài sản trên đạt hơn 50.000 tỷ đồng (khoảng 1,95 tỷ USD), đủ để bà Trương Mỹ Lan thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho các bị hại. Theo Luật sư Thanh, nếu các nguồn tiền này được thu hồi triệt để theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự và Điều 47 Bộ luật Hình sự, các bị hại sẽ sớm nhận lại tài sản một cách đầy đủ. Ông nhấn mạnh: “Đây là nguồn tiền rất lớn, mang lại cơ hội giải quyết nhanh chóng cho người bị ảnh hưởng.”
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Trương Mỹ Lan giữ nguyên kháng cáo, không chấp nhận mức án tù chung thân mà tòa sơ thẩm đã tuyên. Đồng thời, bà cam kết bồi thường cho các nhà đầu tư mua trái phiếu có yêu cầu hoàn tiền và bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện để khắc phục hậu quả. Theo lập luận của bà Lan, bản án sơ thẩm quy kết bà sử dụng “phương thức, thủ đoạn gian dối” để phát hành 25 mã trái phiếu qua bốn công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra) – hiện còn dư nợ hơn 30.000 tỷ đồng của trên 35.000 bị hại – là chưa chính xác. Bà cho rằng cần trừ đi 1.612 tỷ đồng (63 triệu USD) – khoản tiền phát hành trái phiếu mà Ngân hàng SHB đã sử dụng. “Ngân hàng SCB và SHB đã thỏa thuận ra sao thì tôi không rõ, nhưng đây là trách nhiệm của SHB,” bà Lan khẳng định, đồng thời cho rằng bà chỉ chịu trách nhiệm với hơn 28.000 tỷ đồng (1 tỷ USD).

Bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm tại tòa phúc thẩm giai đoạn hai. (Hình: Nguyễn Huế/VietNamNet)
Luật sư Thanh cho biết hiện có 25.000 nhà đầu tư yêu cầu hoàn tiền, trong khi hơn 10.000 người còn lại không đưa ra yêu cầu. Bà Lan cam kết giải quyết cho các trái chủ và đề nghị tòa án buộc các cá nhân, tổ chức đã sử dụng tiền từ trái phiếu phối hợp để hỗ trợ người dân.
Ngày 28/3/2025, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đã tạm dừng phiên xử phúc thẩm và dự kiến sẽ tiếp tục vào ngày 3/4/2025.