Trang chủ Giáo dụcTuyển sinh Tuyển sinh 2023: Thêm áp lực vì nhiều kỳ thi riêng

Tuyển sinh 2023: Thêm áp lực vì nhiều kỳ thi riêng

bởi Linh

Các kỳ thi riêng trong năm 2023 gồm: kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, thi đánh giá của Bộ Công an, thi năng khiếu của các trường khối ngành mỹ thuật, âm nhạc…

Nhiều kỳ thi, thêm áp lực

Theo GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí – ĐHQG Hà Nội, năm nay kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) tổ chức tại các tỉnh, thành miền Bắc và Bắc Trung Bộ gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Tổng số địa điểm thi đặt tại các địa phương là 17, tăng 2 điểm so với năm 2022.

Tuyển sinh 2023: Thêm áp lực vì nhiều kỳ thi riêng - Ảnh 1.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022

Hệ thống năm nay chỉ cho phép thí sinh đăng ký tối đa 2 lượt thi/năm, 2 lượt thi cách nhau liền kề tối thiểu 28 ngày. Thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi dạng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn một trong 4 đáp án) và điền đáp án. Tổng thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150. Ngoài ra, đề thi có thể gồm 1 – 3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm, thí sinh sẽ có thêm khoảng 4 phút để làm.

Trong khi đó, ĐHQG TP HCM cho biết kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của đơn vị này sẽ được tổ chức thành 2 đợt – vào cuối tháng 3 và cuối tháng 5. Đợt 1 được tổ chức vào ngày 26-3 tại 21 tỉnh, thành phố, gồm 17 địa phương như cùng kỳ năm ngoái: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và mở rộng thêm 4 địa phương: Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Hiện đã có 90 trường đại học, cao đẳng trên cả nước đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM để xét tuyển đầu vào.

Năm nay, kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội có một số điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ hơn. PGS Vũ Duy Hải, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh – ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết thời gian làm bài thi chỉ còn 150 phút và tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính. Kết quả thi được sử dụng ở nhiều ngành, gồm: khoa học – công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.

Kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ được tổ chức nhiều đợt, ở nhiều địa điểm và không giới hạn đối tượng hay số lần dự thi. Thí sinh tham gia sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm, có thể sử dụng điểm số đánh giá tư duy để đăng ký xét tuyển vào bất kỳ trường đại học nào chấp nhận kết quả này.

Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay được dùng để xét tuyển vào nhiều trường đại học. Các trường này gồm: Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Không cần thi quá nhiều

Việc nhiều trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng có thể làm tăng cơ hội xét tuyển theo các phương thức khác nhau nhưng cũng khiến thí sinh thêm nhiều áp lực.

Trên thực tế, nếu chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh rất khó đỗ vào những ngành “hot”, trường tốp đầu, bởi các trường này ngày càng dành nhiều chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Trong khi đó, đề thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy gồm nhiều môn thành phần nên có những môn thí sinh trước đây không quan tâm nhưng nay buộc phải ôn tập để thi.

Giáo viên một trường THPT tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội thừa nhận có tình trạng học sinh lơ là kỳ thi tốt nghiệp THPT để tập trung ôn thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. “Có những học sinh của tôi thực sự yêu thích các trường ĐH hàng đầu nên các em buộc phải dồn sức vào học những nội dung kiến thức phục vụ bài thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy” – giáo viên này thông tin.

Trước việc ngày càng nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng, PGS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để có kế hoạch phù hợp. Việc tham gia quá nhiều kỳ thi sẽ gây lãng phí thời gian, công sức, tạo áp lực và gánh nặng về thi cử trong khi lại khó có kết quả như mong muốn.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, các kỳ thi có định hướng vào những lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, 2 ĐHQG có kỳ thi với phạm vi lĩnh vực rộng; ĐH Bách khoa Hà Nội có kỳ thi chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho lĩnh vực đào tạo giáo viên; Bộ Công an tổ chức kỳ thi riêng cho các trường khối an ninh, công an… Do đó, thí sinh không cần lựa chọn tham gia nhiều kỳ thi mà cần tập trung ôn tập để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Nắm chắc kiến thức cơ bản

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khẳng định tất cả nội dung đề thi đều nằm trong chương trình nên thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức, không cần luyện thêm ở lò luyện thi.

GS Nguyễn Tiến Thảo cũng cho rằng thí sinh nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình THPT là hoàn toàn đạt kết quả cao. Theo GS Nguyễn Tiến Thảo, đề thi rất rộng, dữ liệu vô cùng phong phú, không giới hạn trong tư liệu, dữ liệu, trong sách giáo khoa nên không trung tâm, đơn vị nào có đủ khả năng luyện thi đối với bộ đề thi khổng lồ của đơn vị này.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm