Vào ngày 24-3, một quan chức chính phủ của Quần đảo Solomon xác nhận với hãng tin Reuters rằng hiệp ước an ninh với Trung Quốc sẽ cần được thảo luận trong nội các và phải phù hợp với hiệp ước an ninh được ký với Úc trong việc triển khai các lực lượng vũ trang tới Honiara.
Hiệp ước an ninh với Úc được ký trước khi Quần đảo Solomon thay đổi sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan (Trung Quốc) sang Bắc Kinh vào năm 2019.
Khả năng tàu chiến Trung Quốc đóng quân ở nước láng giềng với Úc đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo ở Canberra. Vào tháng trước, Bắc Kinh và Canberra đã có 1 cuộc khẩu chiến sau khi 1 tàu hải quân Trung Quốc đi qua vùng đặc quyền kinh tế ở phía Bắc của Úc và chiếu laser vào máy bay trinh sát Úc.
Thủ tướng Quần đảo Solomons Manasseh Sogavare và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự một buổi lễ ký kết tại Trung Quốc vào năm 2019. Ảnh: Reuters
Trong cuộc phỏng vấn với Channel Nine, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton nói Úc có 50 cảnh sát ở Quần đảo Solomon theo yêu cầu của Honiara và họ sẽ ở đây đến năm 2023. “Chắc chắn chúng tôi sẽ lo ngại về việc thành lập bất kỳ căn cứ quân sự nào và chúng tôi sẽ bày tỏ điều này với chính phủ Quần đảo Solomon. Chúng tôi muốn hoà bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi không muốn những ảnh hưởng đáng lo ngại, áp lực mà chúng tôi thấy từ Trung Quốc trong khu vực” – trích lời ông Dutton.
Một ngày trước khi dự thảo hiệp ước an ninh bị rò rỉ, Cao ủy Úc tại Quần đảo Solomons, ông Lachlan Strahan, đã gặp Thủ tướng Manasseh Sogavare để cam kết viện trợ 15,8 triệu USD và xây dựng hai cầu cảng cho thuyền tuần tra đảo Solomon.
Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd nói các cuộc thảo luận về hiệp ước an ninh giữa Quần đảo Solomons và Trung Quốc là “một trong những phát triển an ninh quan trọng nhất mà chúng tôi chứng kiến trong nhiều thập kỷ và là điều bất lợi đối với lợi ích an ninh quốc gia của Úc”. Theo lời ông Rudd, dự thảo hiệp ước này sẽ giúp Trung Quốc có sẵn tàu hải quân và tàu thông minh tại Quần đảo Solomon.
Quốc đảo Thái Bình Dương với dân số chưa đến 1 triệu người này cách Úc 2.000 km về phía Đông Bắc. Úc đã cung cấp một khoản tài trợ cơ sở hạ tầng trị giá 1,5 tỉ USD cho các đảo quốc Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng từ nguồn viện trợ đang tăng từ Trung Quốc.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)