Mặc dù danh tính của 2 nghệ sĩ chưa được công bố nhưng cộng đồng mạng nhanh chóng dự đoán đó là nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và nam diễn viên Hồng Đăng. Ngay lập tức, một làn sóng bàn tán, bình luận, tranh cãi xoay quanh sự việc lan tỏa, ảnh hưởng trực tiếp đến nơi các nghệ sĩ này công tác và đến phim Hồng Đăng tham gia.
Cụ thể, VTV thông báo chương trình “Điểm hẹn cuối tuần” tối 2-7 không có khách mời là diễn viên Hồng Đăng như kế hoạch. Hai phim có diễn viên Hồng Đăng đóng chính là “Hướng dương ngược nắng” và “Matxcơva – Mùa thay lá” có lịch chiếu lại cũng bị thay thế bởi những phim khác. Phim “Thương ngày nắng về” đang phát sóng giai đoạn cuối cũng gặp ảnh hưởng. Phim vẫn được tiếp tục lên sóng nhưng nhân vật Đức do Hồng Đăng thể hiện bị cắt khỏi phim.
Trong tập 40 lên sóng vào tối 4-7 ngay sau vụ xì-căng-đan nổ ra, vai Đức chỉ hiện diện qua giọng nói, khi gọi điện cho nhân vật Khánh (Lan Phương đóng). Phần giới thiệu mở đầu phim, hình ảnh nhân vật Đức không còn.
Trước lùm xùm của Hồng Đông, diễn viên hài Hữu Tín cũng gây sốc khi bị khởi tố, bắt tạm giam vì ma túy. Không nhiều show như Hồng Đăng nhưng Hữu Tín cũng là gương mặt quen của màn ảnh nhỏ qua chương trình truyền hình, phim truyền hình, web-drama (phim chiếu mạng), nhà sản xuất chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Diễn viên Hồng Đăng trong phim “Thương ngày nắng về”. (Ảnh chụp màn hình)
Ở phim chiếu rạp, một vụ xì-căng-đan cũng từng gây sốc cho khán giả là vụ phim giả tình thật giữa Kiều Minh Tuấn và An Nguy trong “Chú ơi, đừng lấy mẹ con”. Cả hai thừa nhận nảy sinh tình cảm trong thời gian đóng phim. Lời chia sẻ này bị một bộ phận công chúng chỉ trích gay gắt vì cho rằng An Nguy là kẻ thứ ba xen vào mối tình Kiều Minh Tuấn và Cát Phượng, còn Kiều Minh Tuấn không chung thủy.
Diễn viên vướng xì-căng-đan là chuyện không thể dự báo trước được nhưng có thể ứng phó nếu nhà sản xuất kỹ lưỡng trong hợp đồng hai bên. Hiện nay, đa số nhà sản xuất đều yêu cầu diễn viên phải giữ hình ảnh từ lúc tham gia đến lúc phim ra rạp hoặc phát sóng. Tuy nhiên, một số người trong giới cho rằng cần có điều khoản đền bù thiệt hại vật chất lớn cho ê-kíp phim nếu diễn viên vi phạm để tạo tính răn đe.
Các điều khoản ràng buộc càng chặt chẽ, diễn viên phải giữ bản thân hết sức có thể để giảm tối đa thiệt hại do việc mất hình ảnh gây ra. Đồng thời, những kế hoạch xử lý khủng hoảng thông tin cũng cần được dự trù để có thể đối phó ngay khi diễn viên gặp lùm xùm.
Ở làng giải trí Hàn Quốc, Trung Quốc, các diễn viên vi phạm pháp luật hoặc vướng xì-căng-đan đạo đức, lối sống thường đối mặt với phong sát, cấm sóng, khán giả tẩy chay, nhãn hàng quay lưng. Những phim có các diễn viên vướng bê bối xem như “mất trắng” phần vốn lẫn doanh thu hứa hẹn.
Diễn viên vi phạm cũng không còn cơ hội phát triển sự nghiệp, phải rời làng giải trí. Những hình phạt nặng nề này cũng là một bước cản lớn để buộc diễn viên có lối sống sạch, giữ hình ảnh. Đến lúc, làng giải trí Việt cũng cần sự khắt khe này.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)