Trang chủ Đời sốngHàng hóa - Tiêu dùng Ứng phó với giá USD, euro biến động mạnh

Ứng phó với giá USD, euro biến động mạnh

bởi Linh

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát ở nước này đã khiến USD tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua so với nhiều ngoại tệ khác, thậm chí có thời điểm 1 euro đổi được 0,999 USD. Đồng USD tăng mạnh trên thị trường quốc tế, trong khi euro lại mất giá mạnh đã tác động đáng kể đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có thanh toán bằng 2 loại ngoại tệ này.

Xuất nhập khẩu đều khó

USD tăng giá sẽ kéo giá hàng hóa tiêu dùng, nguyên liệu sản xuất trên thị trường quốc tế trở nên đắt đỏ. Giá thành sản phẩm của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cũng tăng theo vì phần lớn nguyên liệu sản xuất đều phải nhập khẩu. Để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, DN xuất khẩu có thể không tăng giá bán hàng hóa, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm, kéo nguồn thu USD giảm theo.

Mặt khác, USD tăng giá cũng làm cho DN nhập khẩu hàng hóa để tiêu thụ trong nước tăng thêm chi phí, giá thành sản phẩm bị đội lên, tác động không nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng, ảnh hưởng mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam.

Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Argex Saigon, cho biết việc tỉ giá USD/VNĐ tăng khoảng 2,5% từ đầu năm đến nay, về lý thuyết là có lợi cho DN xuất khẩu. Tuy nhiên, do đồng euro giảm giá mạnh cộng thêm lạm phát tại khu vực này tăng rất cao dẫn đến sức mua ở những thị trường này suy giảm nghiêm trọng. 

“Những tháng cuối năm đối với DN xuất khẩu thủy sản như chúng tôi là bài toán vô cùng khó. Diễn biến này trái ngược với kỳ vọng, bởi nửa đầu năm, đối tác nước ngoài đặt hàng nhiều do dự đoán đà hồi phục trong lĩnh vực tiêu dùng, ăn uống… Nhưng lạm phát cao khiến người dân nước họ thắt chặt chi tiêu, hàng tồn kho lớn khiến hoạt động xuất khẩu của DN Việt cũng bị “vạ lây” – ông Long nói.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT), thông tin hiện giá hầu hết các loại cá nguyên liệu cho xuất khẩu đã tăng 2%, riêng ếch tăng đến 100%. Giá cám (thức ăn cho cá) tăng cao, nông dân nuôi cá không có lời nên đã bỏ ao, dẫn đến nguồn cung khan hiếm. 

“Chưa kể, thị trường châu Âu nhập khẩu cá bằng đồng USD, bán ra thị trường của họ bằng đồng euro. Hiện đồng euro về ngang giá USD, DN thay vì bán với giá 1,5 euro/kg thì nay phải bán 1,7-1,8 euro/kg mới có lời. Người dân châu Âu đang khó khăn vì đồng tiền mất giá nên giảm chi tiêu, DN nhập khẩu buộc phải giảm đặt hàng và ép giá” – ông Vinh nêu ví dụ.

Trước diễn biến này, Tổng Giám đốc APT cho biết đang cố gắng tìm hướng khác để cải thiện tình hình. “Giải pháp là khảo sát, nghiên cứu thị trường để phát triển mặt hàng mới đúng với nhu cầu, thị hiếu hiện tại” – ông Vinh nêu giải pháp.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định khi đồng euro giảm, DN xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) sẽ gặp bất lợi nhiều hơn. Ví dụ trước đây DN bán một sản phẩm được 5 euro, tương đương với hơn 6 USD. Nhưng hiện tại, cũng sản phẩm giá 5 euro thì chỉ còn khoảng 5 USD. Như vậy, sản phẩm của các DN xuất khẩu bị mất giá so với giá trị thực. Kèm theo đó là khả năng mua hàng quốc tế sẽ bị yếu đi, ảnh hưởng đầu vào của DN.

Ứng phó với giá USD, euro biến động mạnh - Ảnh 1.

Đóng gói nông sản xuất khẩu đi Mỹ. Ảnh: AN NA

Lạm phát rất đáng lo!

Các DN còn phản ánh ngoài việc USD, euro biến động mạnh, tình hình lạm phát ở các nước, khu vực như Mỹ, EU cũng đang tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN trong nước.

Chia sẻ bên lề buổi làm việc của Câu lạc bộ DN dẫn đầu (LBC) mới đây, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho hay tình hình lạm phát bước đầu đã có những ảnh hưởng đến xuất khẩu trái cây, nông sản. Những đơn hàng của DN đi Mỹ, Úc và Canada đã chậm lại, nhu cầu của người tiêu dùng các quốc gia trên hạn chế khá nhiều. 

Hàng nông sản chịu ảnh hưởng như thế, những mặt hàng xa xỉ, hàng không thiết yếu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Do đó, nếu lạm phát được dự đoán chính xác và kiểm soát được cả ở thị trường trong nước và thế giới sẽ giúp ích rất nhiều cho DN, giúp DN có thêm phương án thích nghi với tình hình mới.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, thông tin ông vừa đi châu Âu về và thấy lạm phát ở đây đang rất cao, lên đến 8% nhưng nhiều người cho rằng thực tế còn cao hơn. Những vấn đề về nhiên liệu, năng lượng làm cho châu Âu thay đổi. “Sản phẩm của Phúc Sinh đi vào thị trường châu Âu chiếm số lượng lớn nên cũng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố trên. Khi gặp khó khăn, khách hàng sẽ dừng lại hoặc thận trọng hơn trong việc mua hàng” – ông Thông lý giải.

Trong báo cáo cập nhật ngành thủy sản tháng 7-2022, Công ty Chứng khoán SSI cho hay nhu cầu nhập khẩu đã có dấu hiệu chững lại từ tháng 5 khi tồn kho tại nhiều thị trường ở mức cao. Cùng với áp lực lạm phát, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc trong quý III/2022.

Hầu hết công ty thủy sản cho biết tồn kho tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ, đã đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5-2022. Cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, các công ty dự báo tăng trưởng xuất khẩu giảm trong quý III/2022.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô của Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) cũng nhận định sự thắt chặt của điều kiện tài chính toàn cầu cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn trong nửa cuối năm 2022.

Tìm cách giảm rủi ro trong thanh toán

Để ứng phó trong bối cảnh đồng USD, euro biến động mạnh, FED và các ngân hàng (NH) trung ương khác vẫn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng DN có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường thanh toán bằng đồng USD và nhập khẩu đối với những quốc gia có đồng tiền đang bị giảm giá như euro, AUD (Úc), JPY (Nhật), GPB (bảng Anh). Đồng thời, nên sử dụng công cụ phái sinh ngoại hối để đề phòng tỉ giá biến động mạnh.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng các DN Việt xuất khẩu sang EU muốn sử dụng USD để thanh toán không hề đơn giản. Do đó ngay từ đầu, DN xuất nhập khẩu sang thị trường EU phải tính toán, đàm phán lựa chọn sử dụng đồng tiền thanh toán cho hợp lý ngay từ khi ký kết.

TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia tài chính – ngân sách, nhìn nhận với diễn biến tỉ giá hiện tại, DN xuất khẩu thu USD về và lấy USD trả tiền nhập khẩu nguyên phụ liệu thì rủi ro thấp hơn những DN có dòng tiền lúc thì VNĐ, lúc lại USD. 

“Tôi biết không ít DN thu lợi cả chục tỉ đồng từ biến động tỉ giá, ngược lại cũng có DN lỗ nặng dù hoạt động cùng ngành nghề, cùng lĩnh vực. Đơn cử, trước đây DN thường nhập hàng trước, trả tiền sau nhưng hiện nay DN nhập hàng, trả tiền ngay sẽ ít rủi ro hơn, thậm chí sẽ có lãi. Còn những DN chọn thanh toán trả chậm, trả tiền sau 2-3 tháng nhập hàng thì nguy cơ lỗ từ tỉ giá rất cao. Quan trọng là DN phải dự báo được xu hướng tỉ giá và có dòng tiền mạnh để chủ động ứng phó” – TS Điền nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Thống đốc NH Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết hiện nay DN có nguồn thu từ xuất khẩu được vay USD của các NH thương mại để nhập nguyên liệu sản xuất hoặc mua nguyên liệu sản xuất trong nước nhưng phải bán ngay số ngoại tệ đó cho NH tại thời điểm giải ngân. Riêng DN nhập khẩu hàng hóa phải mua USD từ các NH thương mại. 

“Để hạn chế rủi ro khi FED chưa có dấu hiệu dừng tăng lãi suất, USD ngày càng tăng giá, tỉ giá USD/VNĐ có thể biến động, các DN cần tính toán để mua bán USD theo kỳ hạn nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu có” – Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khuyến nghị.

Dưới góc độ DN, ông Phạm Hải Long cho biết Agrex Saigon đang đa dạng hóa thị trường, đưa hàng đi một số thị trường nhỏ chưa bị tác động bởi lạm phát nhưng bức tranh chung vẫn khó nên DN chủ yếu quan sát thị trường rồi mới tính tiếp.

PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS), nhận định lạm phát dẫn tới các tín hiệu thị trường bị bóp méo, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, giao dịch kinh tế. Đặc biệt là các phản ứng về chính sách vĩ mô có thể gây những tác động lớn.

“Nhà điều hành chủ yếu nhìn vào lạm phát lõi để điều hành chính sách tiền tệ. Chính sách vĩ mô sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế (chủ yếu thông qua lãi suất và tín dụng). Nếu lạm phát ở Việt Nam vẫn tăng lên cùng với xu hướng chung của thế giới thì lãi suất sẽ tăng. Do đó, DN nên lưu ý rủi ro trong kinh doanh, nhất là những DN đang cần vốn và sử dụng đòn bẩy tài chính tín dụng. Trong khoảng 5-7 năm gần đây, việc điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn góp phần giúp kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất” – ông Nguyễn Đức Thành nói.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm