Khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, Lầu Năm Góc chủ yếu sử dụng máy bay vận tải để bàn giao vũ khí cho Ukraine. Vài tuần sau, Lầu Năm Góc bắt đầu sử dụng tàu.
Đến cuối tháng 3, hoạt động hàng hải của Lầu Năm Góc “được mở rộng đáng kể” khi Washington bắt đầu vận chuyển lựu pháo cùng những hệ thống vũ khí hạng nặng khác cho Kiev.
“Khi chúng tôi bắt đầu viện trợ lựu pháo, chúng tôi biết họ sẽ cần thêm đạn cỡ lớn” – Phó giám đốc Bộ chỉ huy Giao thông Vận tải Mỹ Steven Putthoff cho biết, đồng thời nhấn mạnh hoạt động hàng hải giúp đảm bảo nguồn cung đạn cỡ lớn ổn định cho Ukraine.
Máy bay giúp vận chuyển vũ khí từ Mỹ sang châu Âu nhanh hơn rất nhiều nhưng tàu thuyền có thể mang được nhiều hơn đáng kể hàng hóa.
Binh sĩ Ukraine sử dụng pháo M777 tại Donetsk hồi đầu tháng 6. Ảnh: Reuters
Bước chuyển của Lầu Năm Góc báo hiệu giai đoạn mới của xung đột Nga – Ukraine, khi “Ukraine và đồng minh chuẩn bị cho cuộc chiến được dự đoán có thể kéo dài thêm nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm”, The Washington Post khẳng định, đồng thời cho biết thêm giới chức quốc phòng Mỹ từ chối cung cấp chi tiết về lộ trình cụ thệ được Lầu Năm Góc sử dụng nhằm viện trợ “hỏa lực” cho Ukraine.
Mỹ đến giờ vẫn là đối tác hậu thuẫn chính của Ukraine trong xung đột với Nga, cung cấp hàng tỉ USD viện trợ kinh tế và quân sự cũng như dữ liệu tình báo.
Loạt vũ khí được Washington cung cấp cho Kiev bao gồm hàng ngàn tên lửa phòng không Stinger, tên lửa chống giáp Javelin, máy bay quân sự không người lái, bên cạnh những hệ thống vũ khí hạng nặng như HIMARS.
Gói viện trợ mới nhất cũng là gói lớn nhất đến thời điểm hiện tại – 2,98 tỉ USD – được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố vào giữa tuần rồi.
Những hệ thống như HIMARS giúp quân đội Ukraine tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa hơn. Ảnh: Reuters
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)