Trong bản cập nhật Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2022 vừa công bố hôm 6-4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã sẵn sàng phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn định. Kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022 và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023.
Chủ động nắm bắt cơ hội
“Nền kinh tế đang được dự báo phục hồi mạnh mẽ trong năm nay và năm tới nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao, cho phép chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt, mở rộng thương mại và tiếp tục chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng” – ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế quốc gia ADB tại Việt Nam, đánh giá.
Các chuyên gia của ADB đánh giá cao việc ngày 11-1, Quốc hội đã phê chuẩn gói giải pháp tài khóa và tiền tệ, ước tính lên đến 15 tỉ USD để triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế trong năm 2022 và 2023. Chương trình sẽ gia tăng đầu tư công, kích cầu nội địa. Tăng cường phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương cũng như dịch chuyển lao động phục hồi sẽ giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực hiệu lực từ ngày 1-1-2022, dự kiến thúc đẩy hoạt động thương mại khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định và đáng tin cậy cho Việt Nam. Dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8% – 10% trong năm nay.
Còn Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 4-2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá đà tăng trưởng chậm lại ở nhiều nền kinh tế lớn là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam có thể sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu. Tuy nhiên, việc tham gia vào các hiệp định thương mại đa phương sẽ giúp hạn chế tác động này. Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB – ông Aaditya Mattoo – nhấn mạnh Việt Nam rất thành công khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng các cơ hội trong mở rộng thương mại toàn cầu và tăng độ mở với nền kinh tế thế giới.
“Việt Nam là nước thành công trong việc cải thiện cán cân thương mại trong thời gian qua. Trong khi các nước khác trong khu vực ít có dịch chuyển hơn. Để tận dụng các cơ hội xuất khẩu mới, doanh nghiệp cần thực hiện cải cách, đặc biệt là về công nghệ” – ông Aaditya Mattoo nêu.
Sản xuất hàng cơ khí, dệt may tại TP HCM đang từng bước phục hồiẢnh: Tấn Thạnh
Nhiều gam màu sáng
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh kinh tế – xã hội đang hồi phục tích cực, Việt Nam không lỡ nhịp hồi phục trong xu thế chung của thế giới.
Tăng trưởng GDP trong quý I đã nói lên những nỗ lực của Việt Nam trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện “bình thường mới” để phục hồi và phát triển kinh tế. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, GDP quý I ước tăng 5,03% so cùng kỳ năm 2021, cao hơn nhiều so cùng kỳ năm 2020 (3,66%). Qua đó, tạo niềm tin vào các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục đà tích cực trong quý II và cả năm 2022.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 3 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với quý I của các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022. Ngoài ra, điểm sáng về sản xuất, xuất khẩu phản ánh nền kinh tế đang từng bước phục hồi. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong 3 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp khôi phục ở hầu hết các ngành, số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm tăng sản lượng sản xuất trong nước.
Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột giữa Nga và Ukraine nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 176,35 tỉ USD (tăng 14,37%). Trong đó, xuất khẩu 88,58 tỉ USD, tăng 12,9%; nhập khẩu 87,77 tỉ USD, tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 809 triệu USD.
Ở thị trường trong nước, đại diện Bộ Công Thương cho biết hoạt động thương mại, dịch vụ đã từng bước khôi phục, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gia tăng, tháng 3 đạt 438.000 tỉ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ. Cả quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 1,3 triệu tỉ đồng.
Về phía các doanh nghiệp, sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất – kinh doanh đang được đẩy mạnh. Trong quý I, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 8,837 tỉ USD, tăng 22,5% so cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhận định ngành dệt may hoàn toàn có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỉ USD trong năm 2022. Việt Nam vẫn là điểm đến ưu tiên khi khách hàng lớn trên thế giới quay trở lại đặt hàng.
Thời gian tới, Bộ Công Thương nhận định sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Vì vậy, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Bên cạnh đó, theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của
Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp.
FDI sẽ chảy mạnh vào Việt Nam
Theo các chuyên gia của WB và ADB, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, đặc biệt là chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ, Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là quốc gia thành công trong việc thu hút nguồn vốn ngoại FDI. Điều này là nhờ đã cải thiện rất tốt vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhấn mạnh thời gian tới, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn, mặc dù nhiều nước phát triển đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, ông Andrew Jeffries – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam với dân số 100 triệu dân và tầng lớp thu nhập trung bình cao đang gia tăng nhanh chính là địa điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Những ưu đãi mà Việt Nam được hưởng thông qua các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp họ tiếp cận được với các thị trường xuất khẩu khác.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)