Thông tin trên được các diễn giả chia sẻ tại phiên thảo luận trong Hội thảo “Khai thác các tiềm năng thị trường vương quốc Anh, tận dụng lợi thế của UKVFTA” do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam tổ chức ở TP HCM ngày 23-6.
Theo các diễn giả, ngoài tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản vốn là thế mạnh của Việt Nam cũng đang có tiềm năng xuất khẩu lớn sang thị trường Anh. Với việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác cung ứng các sản phẩm thực phẩm, nông sản lớn vào các chuỗi siêu thị của Anh.
Nhờ được giảm thuế nhập khẩu vào Anh về 0% sau ngày 1-1-2021 nên nhiều hàng hóa của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của các nước xuất khẩu khác sang Anh.
Tuy nhiên, nhiều DN xuất khẩu của Việt Nam còn vướng mắc trong các khâu tìm kiếm đối tác, nắm bắt nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng và thủ tục xuất khẩu cần có sang thị trường Anh, các rủi ro về hợp đồng, thanh toán và cách phòng tránh.
Ông Oliver Todd, Tổng lãnh sự Anh tại TP HCM, Giám đốc Thương mại và đầu tư Anh tại Việt Nam, đánh giá cao vị thế đối tác thương mại của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, tin tưởng rằng Việt Nam có thể thay thế các nước khác như Ấn Độ, Indonesia để trở thành nhà cung ứng mới trong lĩnh vực nông thủy sản cho Anh.
Các diễn giả tại hội thảo ngày 23-6.
Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cũng khẳng định các mặt hàng gỗ, hạt điều và gạo là những mặt hàng truyền thống, có thế mạnh của Việt Nam. Cơ hội cho các sản phẩm này thâm nhập vào thị trường Anh rất rộng mở đặt biệt sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực với rất nhiều ưu đãi dành cho những mặt hàng này.
Để làm được việc này, DN Việt Nam cần có thông tin rõ ràng, chi tiết về quy định, tiêu chuẩn chất lượng và thủ tục xuất khẩu cần có sang thị trường Anh, đồng thời thay đổi mô hình sản xuất đáp ứng thị trường xuất khẩu khó tính này.
“Anh là đất nước có yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao, thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật nhanh chóng để có thể cải tiến, đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính này” – bà Nguyễn Ngọc Đài Trang – Giám đốc Điều Hành, Viện Tiêu chuẩn Anh Quốc (BSI Group) nhìn nhận.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, khẳng định Bộ Công Thương luôn đồng hành với doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình xuất khẩu hàng hóa. Thời gian qua, Bộ Công Thuơng đã triển khai một số biện pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp Việt trong các khâu tìm kiếm, kết nối với đối tác, cũng như những lưu ý để có thể tiến tới xuất đơn hàng thành công sang thị trường Anh nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)