Sáng sớm 28-9, tôi nhận được tin nhắn của nhà văn Tố Hoài: “Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký vừa mất lúc 2 giờ sáng nay”. Tôi lặng người. Dẫu biết với người tuổi đã cao lại mang các bệnh nặng trong người, chuyện rời cõi tạm là không thể khác, mà vẫn trĩu lòng. Vậy là Hội Nhà văn TP HCM và Hội Nhà văn Việt Nam, sau nhà văn Nguyễn Khoa Đăng vừa từ trần lại mất thêm nhà văn Nguyễn Ngọc Ký.
Ý chí, nghị lực phi thường
Với bạn đọc cả nước, tên tuổi Nguyễn Ngọc Ký đáng nhớ bởi là một tấm gương về ý chí, nghị lực và tài năng. Sinh năm 1947 ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, khi lên 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký bị sốt bại liệt dẫn đến liệt cả 2 tay. Tưởng rằng cuộc đời sẽ chỉ loanh quanh với góc vườn nhà, nhưng bằng sức mạnh nội tại phi thường, Nguyễn Ngọc Ký đã vươn lên, rèn luyện với ý chí kiên cường, làm được những điều đáng kinh ngạc, từ dùng chân thay cho tay trong các sinh hoạt thường ngày đến viết chữ bằng chân. Khi nhận ông vào lớp học, cô giáo bất ngờ khi trò Ký đã biết viết chữ và nét chữ rất đẹp.
Năm 1963, tham gia kỳ thi học sinh giỏi toán miền Bắc, ông đạt hạng 5 và được Bác Hồ tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh. Từ năm 1966-1970, ông học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Theo lời khuyên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ra trường ông về dạy học ở quê nhà Nam Định. Năm 1992, ông được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Từ năm 1994, ông vào TP HCM công tác ở Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp, viết các chuyên luận trao đổi kinh nghiệm dạy học và tiếp tục viết những tác phẩm văn chương.
Năm 2006, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam tặng ông danh hiệu “Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Nghỉ hưu, ông vừa viết văn, giao lưu với giáo viên, học sinh cả nước, vừa tư vấn tâm lý qua tổng đài. Năm 2018, nhân dịp Nick Vujicic qua Việt Nam, ông là một trong 24 tấm gương “Hạt giống tâm hồn” của Việt Nam được vinh danh.
Cuộc đời và quá trình luyện viết bằng chân của ông đã được đưa vào sách giáo khoa, làm rung động trái tim bao thế hệ học trò. Tấm gương lao động miệt mài và tài năng của ông đã truyền cảm hứng cho công chúng về ý chí vươn lên, nghị lực vượt qua nghịch cảnh và lao động sáng tạo, đóng góp lớn cho đời.
Nhà văn, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký (giữa) và nhà báo – nhà thơ Bùi Phan Thảo (trái) cùng nhà thơ Phạm Trung Tín. (Ảnh: TẤN THẠNH)
“Chúc báo ngày càng thành công hơn nữa”
Mới 15 ngày trước, Chương trình Mai Vàng nhân ái của Báo Người Lao Động với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á, đã đến thăm hai nhà văn Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Khoa Đăng. Mấy năm qua, nhà văn, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã chuyển về sống ở phường Phước Long B, quận Thủ Đức.
Gặp chúng tôi, đại diện cho Báo Người Lao Động và Hội Nhà văn TP HCM, ông rất vui. Ông nói rằng vẫn theo dõi báo chí, ông biết Báo Người Lao Động những năm qua phát triển vượt bậc và ngày càng vững mạnh. Ông nhắc các năm tháng tham gia với báo trong một số chương trình, thời chị Nguyễn Thị Hằng Nga làm tổng biên tập.
Ông nói lời cảm ơn Chương trình Mai Vàng nhân ái: “Sự yêu thương, giúp đỡ là nguồn động viên vô giá cho tôi đi tiếp con đường đã phấn đấu vì nó. Tôi cảm ơn sâu sắc đến Chương trình “Mai Vàng nhân ái”, Ban Biên tập Báo Người Lao Động và chúc báo ngày càng thành công hơn nữa”. Ông cho biết mỗi tuần ông phải chạy thận 3 buổi, đang bị liệt một dây thanh quản và cả bệnh phổi, nên “được đến thăm với sự quan tâm đặc biệt và động viên như thế này là quý hơn vàng”.
Ông chuyện trò với nhà thơ Phạm Trung Tín, Ủy viên Ban Công tác hội viên, Hội Nhà văn TP HCM và chúng tôi về bệnh tình của mình, những điều ông tâm đắc của một đời người. Ông cũng ra tận cổng nhà, lưu luyến tiễn đoàn khiến chúng tôi hết sức cảm động. Ai ngờ, đó là lần cuối chuyện trò, thăm hỏi cùng ông.
Nghe tin ông mất, đông đảo nhà văn ở TP HCM bày tỏ lời chia buồn sâu sắc. Chúng tôi cùng xem lại những tấm hình ông chụp hôm gặp mặt Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại TP HCM vào dịp cuối năm 2020, thấy ông vui vẻ, thần sắc khá tốt mà lòng tràn đầy tiếc thương.
Trong đời văn, ông để lại những cuốn sách có giá trị. Những tác phẩm quan trọng của ông là: “Tôi đi học”, “Tôi học đại học”, “Tuyển tập câu đố vui tâm đắc”, “Những tâm hồn trẻ thơ”, “Tôi dạy học”, “Con chim của Chu Văn Bi”, “Những tâm hồn dấu yêu”, “Tâm huyết trao đời”…; trong đó ông nói mình tâm đắc là 3 cuốn hồi ký, tự truyện: “Tôi đi học”, “Tôi học đại học”, “Tâm huyết trao đời”.
Mở đầu cuốn “Tôi đi học”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương vượt khó tuyệt vời. Quý lắm. Đoàn cần nhân rộng để các em học tập. Tuổi thơ Việt Nam bây giờ hơn lúc nào hết cần biết ước mơ, biết phấn đấu, đặc biệt vượt qua chính mình như Nguyễn Ngọc Ký để thành đạt”.
Đời ông cũng là một cuốn sách với những bài học đẹp về ý chí làm người, sự phấn đấu để thành công, là gương sáng cho nhiều thế hệ.
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng từ trần
Đến thăm và trao hỗ trợ của Chương trình Mai Vàng nhân ái cho nhà văn Nguyễn Khoa Đăng vào ngày 13-9, dù sức khỏe suy yếu do hai lần đột quỵ, song ông vẫn giữ được trí nhớ tốt. “Tôi rất bất ngờ khi được đoàn Báo Người Lao Động và Hội Nhà văn TP HCM đến thăm. Tôi xúc động lắm” – nhà văn Nguyễn Khoa Đăng bày tỏ.
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng tên thật là Nguyễn Đăng Khoa, sinh năm 1941, ở Thái Bình, từng có giai đoạn dạy học và viết văn, làm thơ từ rất sớm. Ông viết nhiều thể loại và thể loại nào cũng thành công. Ông đã xuất bản 22 tác phẩm, trong đó “Cài hoa vào quá khứ” tái bản 11 lần, “Mùa lúa chín” được đưa vào sách giáo khoa. Ngoài ra, ông còn viết kịch bản phim “Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc” và “Giai điệu xanh”…
Do tuổi cao sức yếu, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã qua đời vào sáng 25-9.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)