Theo nhiều báo cáo, bà Murthy là con gái của người đồng sáng lập Infosys, tập đoàn công nghệ truyền thông đa quốc gia khổng lồ của Ấn Độ. Và sở hữu số cổ phiếu trị giá hơn 430 triệu bảng tại Infosys trong khi tài sản của nữ hoàng chỉ khoảng 350 triệu bảng.
Hai vợ chồng bà Murthy có ít nhất 4 căn nhà, trong đó có căn nhà 5 phòng ngủ trị giá 7 triệu bảng ở khu thượng lưu Kensington, London và một căn hộ ở Santa Monica, bang California – Mỹ. Bà Murthy còn là giám đốc của công ty đầu tư mạo hiểm Catamaran Ventures mà bà thành lập cùng chồng, ông Rishi Sunak, vào năm 2013.
Ông Sunak đang bị chỉ trích do luật của Vương quốc Anh yêu cầu mọi bộ trưởng phải công khai tất cả chi tiết tài chính của họ cũng như của các thành viên trong gia đình khi nhậm chức. Vì ông Sunak bị cáo buộc vi phạm luật này khi không tiết lộ tài sản tài chính của vợ mình, giới chức trách đã tiến hành 1 cuộc điều tra.
Theo báo cáo của truyền thông, cơ quan chức năng cũng phát hiện báo cáo tài chính của ông Sunak chỉ đề cập đến việc vợ ông là chủ một công ty nhỏ tên là Catamaran Ventures có trụ sở tại Anh.
Vợ chồng Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, việc bà Murthy sở hữu cổ phần của Infosys thực sự là một xung đột lợi ích đối với ông Sunak vì chính phủ Anh là nhà thầu của công ty công nghệ này.
Được biết, bà Murthy cũng có cổ phần chưa được khai báo trong 6 công ty khác của Vương quốc Anh, bao gồm một liên doanh trị giá 900 triệu bảng một năm với Amazon Ấn Độ, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.
Tuần trước, ông Sunak bị chỉ trích vì liên kết kinh doanh của gia đình bà Murthy với Nga. Bộ trưởng tài chính Anh khẳng định ông “không liên quan gì” với Infosys. Người phát ngôn của ông cũng cho biết bà Murthy không có bất kỳ liên quan nào đến các quyết định hoạt động của công ty.
Vào ngày 8-4, bà Murthy nói bà sẽ ngừng né thuế của Anh đối với thu nhập nước ngoài của bà, chịu thua trước áp lực dư luận từng bị ông Sunak xem là hành động bôi nhọ chính trị.
Sự tức giận của công chúng về tình trạng thuế của bà Murthy càng tăng cao bởi quyết định tăng thuế trả lương của ông Sunak vào thời điểm lạm phát gia tăng khiến người Anh phải đối mặt với mức chi phí sinh hoạt bị siết chặt lớn nhất kể từ năm 1956.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)