Nghiên cứu mới từ Bộ phận Địa chất, Khoa Khoa học địa chất và quản lý tài nguyên, Đại học Copenhagen (Đan Mạch) tiết lộ điều đáng sợ: các mô hình dự báo động đất hiện tại dựa trên hoạt động kiến tạo mảng có thể chưa chuẩn xác, dẫn đến việc nhiều thảm họa có thể ập xuống bất ngờ mà không được dự báo.
Theo SciTech Daily, trước đây người ta tin rằng chính sự chuyển động của các mảng kiến tạo – tức các mảnh vỏ Trái Đất – đã tạo nên năng lượng tích tụ ở nơi tiếp giáp các mảng, thỉnh thoảng được giải phóng thành các trận động đất.
Lớp phủ phức tạp của Trái Đất thúc đẩy hoạt động kiến tạo mảng, là sự chuyển động không ngừng của các mảnh vỏ Trái Đất – Ảnh: SciTech Daily
Điều đó đúng nhưng nghiên cứu mới cho thấy đó không phải là tác động một chiều. Sử dụng dữ liệu GPS mở rộng và phân tích trận động đất Izmit năm 1999 nổi tiếng, các nhà nghiên cứu nhận thấy các mảng lục địa Anatolinan (mà Thổ Nhĩ Kỳ) nằm bên trên đã bị thay đổi hướng chuyển động bất ngờ.
Thay đổi này đã ảnh hưởng đến các trận động đất ngoài dự kiến xảy ra sau này trong khu vực.
Như vậy, sự dịch chuyển của các mảnh vỏ Trái Đất gây ra động đất, sau đó động đất lại tác động ngược khiến chuyển động của các mảng bị thay đổi. Khi “trò chơi xếp hình” bị rối loạn, nó sẽ sinh ra một mô hình động đất mới không giống cái cũ và có thể khiến những dự báo trước đó bị sai lệch.
Điều này có thể đã xảy ra ở nhiều nơi khác trên thế giới: các mảnh vỏ Trái Đất khác cũng đã bị đổi hướng, bức tranh tổng thể về kiến tạo mảng bị sắp xếp lại mà không ai hay, dẫn đến việc nhiều mô hình cảnh báo thảm họa trở nên thiếu chính xác.
Theo tác giả chính Juan Martin De Blas, điều này có thể không hẳn là tin xấu. Biến được tác động 2 chiều kiểu vòng lặp này có thể giúp các nhà khoa học cải thiện các mô hình dự báo động đất một cách rất hiệu quả và chính xác hơn, cập nhật và thay đổi nó phù hợp sau mỗi lần xảy ra động đất lớn.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Geophysical Journal International.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)