Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa (TP Hà Nội) đã tạm giữ hình sự đối với Lê Văn Thức (SN 1993, trú tại xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) để điều tra về hành vi “Giết người”.
Nhà chức trách xác định Lê Văn Thức là nghi phạm gây ra vụ án đâm chết người và bắt giữ nam thanh niên này. Nạn nhân bị đâm tử vong là anh N.T. (SN 1995, ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội); còn cô gái bị ép, kéo lên xe taxi là chị N. (SN 1993, quê Yên Bái).
Tại cơ quan công an, Thức bước đầu khai nhận đã thuê xe taxi bám theo. Khi đến phố Láng Hạ, Thức yêu cầu tài xế taxi vượt lên, chặn đầu xe máy do anh T. điều khiển chở theo chị N.. Ngay lập tức, Thức lao xuống dùng dao bấm đâm liên tiếp vào đầu và ngực anh T., rồi ép và kéo chị N. lên xe bỏ trốn về Thái Nguyên.
Đối tượng Lê Văn Thức tại cơ quan công an
Trao đổi với Báo Người Lao Động, Tiến sĩ luật, luật sư Đặng Văn Cường cho biết trong vụ việc này, Thức có thể sẽ bị xử lý hình sự về 2 tội danh là tội giết người và tội bắt giữ người trái pháp luật.
“Hành vi của nghi phạm là rất manh động, quyết liệt, phạm tội đến cùng và gây ra hậu quả khiến nạn nhân tử vong, một nạn nhân bị thương tích và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý nên có thể phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc” – luật sư Cường cho biết.
Tuy nhiên, theo luật sư Cường, trong vụ án này, ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội của nghi phạm, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vai trò trách nhiệm của người điều khiển xe taxi. Tài xế taxi này có biết nghi phạm tìm kiếm nạn nhân để bắt cóc, để sát hại hay không.
Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy tài xế taxi biết rõ nghi phạm đi tìm nạn nhân để bắt cóc, sát hại nhưng vẫn chở đi gây án mặc dù không bị đe dọa uy hiếp tinh thần, lúc này tài xế taxi có thể bị xử lý hình sự về tội giết người và tội bắt giữ người trái pháp luật với vai trò đồng phạm.
“Những diễn biến qua clip ghi lại cho thấy chiếc xe taxi đã áp sát xe máy khiến nghi phạm xuống xe và ra tay rất nhanh chóng. Đây là tình tiết cần phải làm rõ để xác định người tài xế taxi có vai trò đồng phạm với hung thủ gây án hay không?” – luật sư Cường nhìn nhận.
Tài xế taxi có vai trò đồng phạm với hung thủ gây án hay không?
Ngoài ra, cần làm rõ việc sau khi chứng kiến nghi phạm thực hiện hành vi phạm tội, tài xế taxi có tự nguyện điều khiển chiếc xe về Thái Nguyên theo yêu cầu của nghi phạm hay không? Nghi phạm có đe dọa hay uy hiếp tinh thần của người điều khiển xe taxi để buộc phải thực hiện việc di chuyển theo lộ trình của nghi phạm hay không? Sau khi nghi phạm rời khỏi taxi, tài xế này có trình báo sự việc với cơ quan công an hay không?
Theo luật sư Đặng Văn Cường, đó là những tình tiết rất quan trọng xác định ý thức chủ quan của người tài xế xe taxi và để xem xét trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.
Từ phân tích trên, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Thứ nhất, là tài xế taxi không bị đe dọa, uy hiếp, đồng thời biết rõ nghi phạm thực hiện hành vi nhưng vẫn chở nghi phạm đi và chở tẩu thoát khỏi hiện trường thì đây là hành vi giúp sức tích cực. Trong trường hợp này, tài xế taxi sẽ có vai trò đồng phạm, từ đó cơ quan điều tra có thể xử lý người lái xe cùng tội danh với tội của nghi phạm gây án.
Trong trường hợp thứ 2, nếu tài xế taxi bị uy hiếp, đe dọa, ép buộc phải làm theo, và khi nghi phạm xuống xe đã lập tức đến cơ quan chức năng trình báo, lúc này tài xế taxi có thể sẽ không bị xem xét trách nhiệm.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)