Chiều 6-9, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời câu hỏi của báo chí về việc Thanh tra Bộ tước giấy phép kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu của 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu sẽ tác động thế nào đến việc đảm bảo nguồn cung trong nước.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết ngày 31-8, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương đã ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm liên quan đến kinh doanh xăng dầu, tổng số tiền phạt hơn 13 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết sẽ xem xét tước giấy phép của 5 DN xăng dầu ở “thời điểm phù hợp”
Bên cạnh hình thức phạt hành chính, có thêm 5 quyết định xử phạt áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu trong thời hạn 1 tháng với 5 doanh nghiệp đầu mối, gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.
Theo ông Hải, vi phạm của các doanh nghiệp nêu trên chủ yếu do không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối hiện hành.
“Khi 5 doanh nghiệp này bị tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu, họ này sẽ không được mua xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán cho tư nhân khác…” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, quan điểm của cơ quan này là xử lý nghiêm đối với các vi phạm nêu trên dù đó là doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, việc xử lý cũng phải lưu ý đến khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Đặc biệt là vấn đề đảm bảo nguồn cung cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, cũng như nhu cầu của 100 triệu dân trong nước.
Chính vì vậy, Bộ Công Thương ngày 6-9 đã báo cáo Chính Chính phủ việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm theo hướng trước mắt là phạt tiền, còn hình thức tước giấy phép sẽ áp dụng, nhưng áp dụng trong thời điểm phù hợp. “Chúng tôi đang xử lý và hi vọng tìm được biện pháp phù hợp nhất trong thời gian tới” – ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Trước đó, là 1 trong 5 doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu, ngày 5-9, Saigon Petro đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị một số vấn đề liên quan.
Với hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay, Saigon Petro nhấn mạnh việc Bộ Công Thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của công ty sẽ gây ra hàng loạt hậu quả.
Saigon Petro lo ngại hệ thống phân phối của doanh nghiệp này bị mất nguồn cung trên 50.000 m3/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa. “Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế, xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp”- văn bản của Saigon Petro nêu rõ.
Doanh nghiệp này cũng nêu nguy cơ bị phạt hợp đồng với Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn trong tháng 9 với số lượng hợp đồng 40.000 m3 xăng dầu.
Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ bị phạt hợp đồng nhập khẩu đối với khách hàng nước ngoài đã ký hợp đồng giao hàng trong tháng 9 và đồng thời hàng đã và đang trên đường về cảng Cát Lái. Công ty sẽ bị phạt tàu do không thể mở tờ khai nhập hàng để nhập hàng lên bồn và thông quan hàng hoá… Saigon Petro cũng cho biết việc doanh nghiệp dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến đời sống của 750 người lao động.
Do đó, Saigon Petro kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để công ty không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như giữ ổn định thị trường.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)