Trang chủ Văn hóaVăn học Xin đừng soi mói đời tư

Xin đừng soi mói đời tư

bởi Linh

Một lần nọ, tôi được mời giao lưu với các sinh viên ở một trường đại học tại TP HCM. Cùng làm diễn giả với tôi hôm ấy là một anh người Đức, tuổi trung niên.

Không coi thông tin cá nhân là riêng tư

Trong lúc ngồi chờ đợi ở phòng khách, một giảng viên giới thiệu chúng tôi với nhau và vui miệng bảo: “Anh Zimmerman lấy vợ Việt đấy”. Tức thì, người đàn ông tóc vàng mắt xanh nhăn mặt và dằn từng lời bằng tiếng Việt chuẩn xác: “Tại sao các bạn lúc nào cũng phải nhắc đến vợ con ở đây? Tôi lấy ai và ai là vợ tôi chẳng liên quan gì ở đây cả”. Những người trong khán phòng đều ngỡ ngàng. Người vừa giới thiệu cũng ngượng nghịu chững lại.

Tôi cũng hơi kinh ngạc. Tôi từng có 20 năm dạy bộ môn văn hóa Anh – Mỹ, tiếp xúc người phương Tây khá nhiều, hiểu rõ văn hóa riêng tư của họ đã được ghi vào các cuốn sách chỉ dẫn, như Kinh thánh: “Nếu gặp một người Anh (Mỹ), bạn sẽ được cho là thô lỗ và bất lịch sự nếu hỏi những câu riêng tư liên quan hoàn cảnh xuất thân, tuổi tác, cân nặng, thu nhập, tình trạng hôn nhân, gia đình, nghề nghiệp, địa chỉ nhà, quan điểm chính trị…”. Song, tôi vẫn ngạc nhiên trước sự giận dữ của vị diễn giả người Đức chỉ vì một lời giới thiệu cũng không có gì quá đáng.

Xin đừng soi mói đời tư - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chưa kể, lúc mở màn buổi giao lưu, vị diễn giả nước ngoài lại tiếp tục gây thêm bất ngờ. Vừa chào hỏi xong, anh ta đã dõng dạc nhắc nhở khán giả bên dưới: “Các bạn muốn trao đổi bất cứ thứ gì trên đời, tôi đều vui lòng giải đáp, chỉ xin đừng hỏi câu nào về vợ con tôi”.

Đa phần người Việt chúng ta không coi những thông tin cá nhân là chuyện riêng tư, mà nhiều khi phải là chuyện chung của thiên hạ để… cùng nhau chia sẻ. Vợ mình, con mình đẹp đẽ chứ có khiếm khuyết chi đâu mà phải giấu, có gì ám muội mà lại không cho hỏi? Tuy nhiên, nếu trong cuộc sống, bạn phải trả lời cả ngàn lần một câu hỏi giống nhau đến mức tẻ nhạt và thiếu sáng tạo, đặc biệt khi đấy lại là những điều không bao giờ bạn muốn nhắc đến, thì người hỏi ở đây bỗng biến thành kẻ vô duyên, thậm chí là tàn nhẫn và độc ác.

Tôi có một người bạn vong niên, cô sống cùng con gái tuổi đã quá lứa, lỡ thì. Nhiều lần, cô phàn nàn với tôi những nỗi buồn “không ai thấu”. Thứ nhất, cô thương con vì tuổi ấy rồi mà chưa có người bầu bạn, giờ chòi chọi mẹ già con già ở với nhau. Thứ hai, con gái cô tính cách khác hẳn mẹ, khép kín và không giao tiếp, trong khi cô thì khách khứa, bè bạn giao đãi suốt ngày, có phần còn quảng giao hơn cả giới trẻ.

“Cứ lần nào con gái tôi biết có khách đến chơi là nó sẽ đi khỏi nhà, tới đêm khuya mới về để tránh mặt. Có lần, nó về đến hành lang, nghe tiếng cười nói trong nhà, biết có khách là lại quay ngoắt đi, rồi chờ thật muộn mới về. Tôi buồn lắm nhưng tính nó kỳ dị thế thì biết làm thế nào” – cô than thở.

Tôi thắc mắc: “Vậy mỗi lần khách đến, có bao giờ họ hỏi chị ấy những câu như: Bao giờ thì mới chịu lấy chồng để cho mẹ có cháu bế?”. “Khách nào đến chả bảo thế” – cô thản nhiên. “Vậy thì đúng rồi, chị ấy không dám về nhà khi có khách là phải” – tôi thở dài.

Tôi thấy thương người phụ nữ mà mình chưa từng gặp ấy. Tôi hình dung suốt gần 3 thập niên, người phụ nữ khốn khổ ấy đã phải nghe cả ngàn lần điệp khúc: “Bao giờ thì lấy chồng?” – câu hỏi vô duyên mà nếu ta đặt ra cho người phương Tây thì chắc sẽ không còn lần gặp mặt thứ hai. Dần dà theo thời gian, các câu hỏi có thể sẽ tịnh tiến thành sự chỉ trích “Lại kén chọn hả? Già kén kẹn hom”, thậm chí trách móc “Sao để cho mẹ không có cháu bế thế kia, tuổi ấy là các bà khác đã cháu chắt đầy nhà rồi đấy”… Người phụ nữ đáng thương ấy thế nào đêm cũng gặp ác mộng, rồi chị sẽ mang mặc cảm tội lỗi – vì mình mà mẹ không có cháu để bế như nhà người ta.

Thiên hạ phần nhiều luôn thuận theo lẽ tự nhiên, có đôi có cặp nhưng có một bộ phận nhỏ thích cô độc một mình. Họ vui vì cách sống như thế, nên ta đừng áp đặt tư duy của số đông cho họ.

Có một diễn đàn khổng lồ trên mạng dành cho những người “vô tính”. Ở đó có những người cả đời sống độc thân vui vẻ mà không cần đến hôn nhân hay bạn tình. Họ thuộc về giới tính thứ tư, còn gọi là vô tính (asexual). Trời sinh ra họ như vậy và họ hạnh phúc vì sự lựa chọn của mình.

Vì thế, sự hỏi han vô lối của người xung quanh – luôn được khoác tấm màn nhung mỹ miều là “có quan tâm, người ta mới hỏi” – lâu dần sẽ vô tình biến thành sự kỳ thị với người phụ nữ muộn chồng hay đàn ông muộn vợ. Bởi lẽ, câu hỏi ấy còn kèm theo ẩn ý không lời mang tính tò mò “Kén chọn hay ế sưng lên thế? Liệu có vấn đề gì về giới tính không?”, hoặc giễu cợt “Có khi “máy móc” hỏng cả rồi hả?”…

Vô tình hóa vô duyên

Chia sẻ nỗi đau lòng vì thứ văn hóa “vô tình hóa vô duyên” nêu trên, nhiều chị em còn cho rằng hỏi “bao giờ lấy chồng” vẫn chưa “chết nhục” bằng “bao giờ thì có tin vui”. Hồi trẻ, họ sẽ bị tra tấn “Bao giờ em lấy chồng?”; lấy chồng rồi sẽ được nghe nã tiếp “Bao giờ có em bé?”; có em bé rồi, còn chưa kịp hoàn hồn thì “Bao giờ định sinh thêm đứa nữa đây? Đẻ liền đi cho có chị có em”. Có hai con rồi cũng có thể chưa yên thân đâu, vì người ta sẽ quan tâm đến bạn hơn nữa nếu hai bé ấy là con một bề: “Thêm đứa thứ ba đi cho có nếp có tẻ”!

Xin hãy hiểu rằng những người chưa kịp sinh con theo ý thiên hạ thì có lẽ họ chưa muốn hoặc chưa thể. Dẫu vì điều gì thì câu hỏi cũng gây khó chịu và ám ảnh như nhau.

Có những câu hỏi giao đãi mà đôi khi ta cho rằng rất bình thường nhưng sẽ trở thành không bình thường đối với trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn, “Anh chị có mấy cháu rồi?” (sẽ là rất đau khổ đối với cặp vợ chồng bị vô sinh); “Sao chị không sinh thêm cháu nữa?” (có thể người được hỏi đang mắc bệnh nan y); “Anh nhà công tác ở đâu ta?” (người ta vừa ly dị xong, chỉ có anh em, bạn bè thân thiết được biết thôi); “Bao giờ cho chúng tôi ăn kẹo đây?” (người được hỏi có khả năng là người đồng giới và đây là câu hỏi gây ác mộng nhất đối với họ); “Con anh chị học lớp mấy?” (biết đâu cháu bé tật nguyền hoặc tự kỷ, chẳng bao giờ được đến lớp như trẻ em bình thường. Thậm chí, có người vừa mất con, hỏi như vậy thế nào người ta cũng òa khóc)…

Nhiều khổ chủ chỉ vì phải đối phó những câu hỏi vô duyên với tần suất dày đặc mà đâm mất ăn, mất ngủ. Vì thế, đôi khi giao tiếp thông thường thôi mà bỗng nhiên khiến ta trở thành vô tình, vô lý, vô tâm, vô duyên, vô cảm, thậm chí là bất nhẫn lúc nào không hay.

Việc gì “tra khảo” nhau lắm thế!

Năm nào tôi cũng tham gia họp lớp. Dù họp lớp cấp hai, cấp ba hay đại học thì theo luật bất thành văn, chúng tôi đều tránh những câu hỏi soi mói cá nhân. Dù đã là bạn đồng môn từ thuở thiếu niên nhưng ai cũng hiểu để tự tránh, vì biết đâu những câu hỏi nghe có vẻ quan tâm nhưng lại khiến bạn mình chạnh lòng.

Họp lớp thì cứ kể chuyện vui thuở đi học thôi, chẳng ai buồn “quan tâm” đến cân nặng, nghề nghiệp, gia cảnh, thu nhập của nhau làm gì. Nếu người ta có nhã ý chia sẻ thì sẽ tự kể thôi và lúc đó ta cũng tỏ lòng mà trao đi đổi lại. Chúng ta giao đãi, chứ việc gì mà “tra khảo” nhau lắm thế!

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm